MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng giá điện, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn do chi phí sản xuất đầu vào tăng.

Nội dung nổi bật:

- Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

- Theo ông Lộc, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính để làm sao cân bằng được chi phí điện tăng lên thì các chi phí khác phải giảm đi.

- Ông Lộc nhận định, năm nay sẽ là năm tiếp tục khó khăn của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, xét về mặt dài hạn sự hồi phục, phát triển của doanh nghiệp sẽ tốt hơn.


Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 5/3, Chính phủ đã chính thức đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh từ ngày 16/3/2015. Với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ; đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%...

Tuy nhiên, đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn như ngành thép, ngành xi măng… thì việc tăng giá điện đang trở thành một “mối lo” lớn.

Chia sẻ với chúng tôi bên lề Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN 2015 ngày 6/3 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, về vấn đề giá điện, chúng ta đã xác định xây dựng thể chế kinh tế thị trường, trong kinh tế thị trường điều quan trọng nhất là giá phải do thị trường quyết định.

“Việc tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn do chi phí sản xuất đầu vào tăng” – ông Lộc nhận định.

Theo ông Lộc, bên cạnh các chính sách nâng giá theo cơ chế thị trường thì nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương bởi động thái tăng giá, như các đối tượng người nghèo, hộ chính sách xã hội… Việc tăng giá khi nào cũng cần một lộ trình phù hợp.

Tăng giá điện một mặt giúp phát triển ngành năng lượng Việt Nam, giá điện ở một mức hợp lý mới thu hút được đầu tư vào ngành điện. Từ đó, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Nếu cứ bao cấp thì nhà nước không thể có đủ nguồn lực để bù lỗ mãi được. Một khi các doanh nghiệp không đầu tư vào ngành điện thì ngành này không thể phát triển, khi đó sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực phải xác lập được hệ thống quản trị phù hợp để giảm tải các chi phí. Lĩnh vực điện là lĩnh vực độc quyền tự nhiên, để xác lập giá trong lĩnh vực độc quyền điện tự nhiên thì Nhà nước phải kiểm soát tốt các chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và truyền tải điện.

Như vậy, liên quan đến việc tăng giá điện, ông Lộc cho rằng có 2 yếu tố cần quan tâm. Thứ nhất, giá cả phải được nâng lên phù hợp với cơ chế thị trường. Thứ hai, kiểm soát chi phí, hao tổn điện để đảm bảo giá điện hợp lý trong tương quan với các nước xung quanh. Làm sao để giá độc quyền nhưng vẫn đảm bảo hợp lý chứ không phải độc quyền thì thích tăng giá bao nhiêu cũng được.

Nhận định về “bức tranh” doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, ông Lộc chia sẻ “Cộng đồng doanh nghiệp vừa trải qua một thời kỳ dài khó khăn, đến nay mới đang dần hồi phục”.

Ông Lộc cho rằng, muốn doanh nghiệp phát triển, phải làm cùng một lúc 2 việc: hỗ trợ để doanh nghiệp hồi sinh và tiếp tục cải cách theo hướng kinh tế thị trường. Hai quá trình đó phải song hành với nhau, không thể vì cái này mà bỏ cái kia. Cho nên, cần nâng giá điện 1 cách hợp lý và phải có biện pháp trợ giúp cho các doanh nghiệp khó khăn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để làm sao cân bằng được chi phí điện tăng lên thì các chi phí khác phải giảm đi. Nếu việc cải cách thể chế được thực hiện đúng như mục tiêu đề ra thì chi phí kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giảm đi rất nhiều. Khi các chi phí đó giảm đi thì có thể bù đắp lại các chi phí mà giá điện tăng lên.

Đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam, ông Lộc cho biết, môi  trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện, song các biện pháp, chương trình hành động trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang có độ trễ, chưa phát huy ngay được.

Ngay cả khi thay đổi Luật doanh nghiệp đến tháng 7 này mới thực hiện được, các biện pháp về cải thiện thủ tục hành chính ngang bằng với các nước ASEAN-6 phải thực hiện trong năm nay và những năm tiếp theo. Hiện tại, các chính sách cũ, mới vẫn đang trong quá trình chuyển giao thì cộng đồng doanh nghiệp Việt vẫn hết sức khó khăn.

Ông Lộc nhận định, năm nay sẽ là năm tiếp tục khó khăn của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, xét về mặt dài hạn sự hồi phục, phát triển của doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Sở dĩ số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng trong 2 tháng đầu năm một phần do các giải pháp tháo gỡ khó khăn có độ trễ, chưa phát huy được. Đồng thời áp lực hội nhập đang đến gần, hàng hoá các nước ASEAN đang ồ ạt sang Việt Nam khiến áp lực cạnh tranh tăng lên.

“Tuy nhiên, Chính Phủ đang rất quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập. Chắc chắn với những chương trình hành động cụ thể, doanh nghiệp sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới, Việt Nam sẽ phát triển lên tầm cao mới” – Chủ tịch VCCI khẳng định.

Thảo Anh

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên