MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương: Đừng quên nguyên tắc cùng tồn tại

Bước điều chỉnh tăng lương được đề xuất khá rộng: Từ 500.000 đến 570.000 đồng đối với DN trong nước, từ 300.000 đến 380.000 đồng đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 1-7, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ thực hiện việc tăng lương sớm ba tháng so với lộ trình. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định thời gian tới phải kiên quyết thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu cho khu vực DN áp dụng từ ngày 1-10-2011. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là quyết định hết sức cần thiết, tuy nhiên cũng cần tính toán kỹ về mặt trái của chính sách.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra hàng trăm cuộc ngừng việc tập thể, đình công tại 23 tỉnh, TP (tăng gấp ba lần so với thời điểm năm 2010). Một trong những lý do đình công là do mức lương trung bình của lao động hiện nay quá thấp, không đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ).

Không thể không tăng

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc tăng lương lần này căn cứ trên bốn tiêu chí: chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng GDP, mặt bằng tiền lương và mức sống tối thiểu. “Dựa trên các yếu tố trên, Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy đến thời điểm bắt buộc phải thống nhất một mức lương tối thiểu với cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài” - ông Huân nói.

440 cuộc ngừng việc tập thể, đình công đã diễn ra tại 23 tỉnh, TP trong sáu tháng đầu năm 2011, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ 2010.

Nguồn: Thống kê chưa đầy đủ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, sẽ chỉ có một mức lương tối thiểu cho khối DN. Bước điều chỉnh tăng lương được đề xuất khá rộng: từ 500.000 đến 570.000 đồng đối với DN trong nước; từ 300.000 đến 380.000 đồng đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài (xem bảng). Ông Huân cho biết việc điều chỉnh lương nói trên đã tính đến khả năng trả lương của các DN. “DN sử dụng lao động chất lượng cao thì chắc họ không quan tâm đến việc tăng lương này. Còn các DN gia công sử dụng nhiều lao động thì khả năng việc điều chỉnh lương sẽ gặp khó vì giá sản phẩm đầu ra của họ không tăng” - ông Huân nhận định.

Cơ hội để tăng năng suất lao động

Theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Liên đoàn Lao động Việt Nam), mức tăng như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH cũng chưa căn cứ vào mức sống tối thiểu của NLĐ mà chủ yếu được tính trên phương diện lý thuyết. Chưa kể, nếu đề xuất này được chấp nhận thì mức lương đã điều chỉnh vào tháng 10 tới cũng chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của NLĐ, đặc biệt trong điều kiện giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao như hiện nay.

Mức lương tối thiểu vùng

Đồng tình với nhận định trên, ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, còn cảnh báo việc tăng lương cũng có mặt trái của nó. “DN trong bối cảnh lạm phát đã phải chịu chi phí đầu vào rất lớn. Việc tăng lương đối với DN có sản phẩm hàng hóa bán ra cũng tăng giá thì không gặp vấn đề gì. Nhưng nếu mặt hàng của họ không tăng lắm hoặc không tăng bằng với mức đầu vào thì có thể họ buộc phải thu gọn sản xuất và số người thất nghiệp sẽ tăng lên” - ông Lợi nói.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, việc điều chỉnh tiền lương sẽ buộc người sử dụng lao động phải tính toán xem mình sử dụng lao động như thế nào, năng suất lao động ra sao, liệu có đảm bảo được yêu cầu sản xuất không… Trong khi đó, TS Lê Quân, Chủ nhiệm bộ môn Nguồn nhân lực (ĐH Thương mại Hà Nội), cũng phân tích: “Trong tình hình lạm phát và khó khăn như năm nay, nếu DN không tăng lương, đời sống của NLĐ sẽ rất khó khăn. Biện pháp DN thường làm là tiết kiệm, tăng năng suất lao động, định biên lại nhân sự để đảm bảo năng suất lao động bình quân tốt hơn, thu nhập theo đó sẽ tốt hơn. Trong bối cảnh này, khoảng 10%-15% nhân sự có thể bị cắt giảm. DN có thể chia sẻ khó khăn với NLĐ bằng cách đàm phán với tập thể lao động về một mức tăng lương hợp lý, cho phép DN không phải cắt giảm nhân sự”.

Đặc biệt, TS Lê Quân cho rằng khi nước ta còn có tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo lớn, rất cần các chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ DN sản xuất phát triển năng lực cạnh tranh, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và tạo việc làm.

DN phải được tham vấn ý kiến

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, lương của lao động làm trong khu vực hành chính sự nghiệp thì Nhà nước có thể tự quyết nhưng lương cho lao động trong DN thì Nhà nước cần phải tham vấn ý kiến DN. Vì nói cho cùng, Nhà nước có bỏ tiền ra trả lương đâu mà các DN phải xoay sở để lo trả lương. Bộ LĐ-TB&XH phải tính đến trường hợp các DN phải giãn lao động hoặc không tuyển mới lao động nữa vì quyết định tăng lương này.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất lên Chính phủ các phương án hỗ trợ DN như hỗ trợ thuế thu nhập DN, giãn một số loại thuế. Chính phủ đã đồng ý về cơ bản, hy vọng rằng khi đưa ra Quốc hội sẽ được phê chuẩn. Nhưng muốn thực hiện được thì cũng phải có thời gian. Khi việc hỗ trợ chưa kịp thực hiện lại thêm việc tăng lương thì DN sẽ rất khó khăn. Theo tôi, các bộ cần phải ngồi lại bàn với nhau để có một phương án tổng thể.

Về phía DN, họ cũng hiểu rằng nếu không có mức lương thỏa đáng thì DN họ cũng không tuyển được NLĐ. Tốt nhất là DN nên cùng ngồi bàn với NLĐ để cách nào DN sống được và NLĐ cũng sống được. Tôi cho rằng NLĐ làm trong DN cũng rất hiểu vấn đề “cùng tồn tại”.

Theo Bảo Phượng

PL TPHCM


duclm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên