MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương tối thiểu 2016: Liệu có “trễ hẹn”?

Cuộc họp quyết định tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 dự kiến diễn ra vào ngày 3/9 tới. Nếu như các thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia không thể tìm được tiếng nói chung, Chủ tịch Hội đồng sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng trước khi trình lên Chính phủ phê duyệt.

Tranh cãi tăng lương tối thiểu năm 2016 đã kết thúc 2 cuộc họp vào ngày 3 và 25/8 mà chưa đi đến quyết định cuối cùng, Hội đồng tiền lương quốc gia dự kiến sẽ họp cuộc họp quyết định vào ngày 3/9 tới đây.

Theo đó, Hội đồng này sẽ đệ trình phương án cuối cùng lên Chính phủ phê duyệt; với thời gian chờ Chính phủ chấp thuận khoảng 90 ngày và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (ngành có khoảng 3 triệu lao động đang làm việc) đề xuất mức tăng 6-7%. Đại diện Hiệp hội lý giải, việc tăng lương tối thiểu còn liên quan đến các vấn đề xã hội. Mức tăng lương quá cao đồng nghĩa với việc tăng chi phí bảo hiểm, cùng nhiều chi phí khác của doanh nghiệp tăng cao.

Trong khi đó, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho tiếng nói của Cộng đồng doanh nghiệp, cho rằng tiền lương tối thiểu tăng khoảng 10% là hợp lý; trong khi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 16,8%.

Trong một báo cáo đưa ra vào tháng 7 vừa qua, Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, nếu mức tăng lương quá cao sẽ vượt mức tăng năng suất lao động và lạm phát, dẫn đến hệ quả trực tiếp là thất nghiệp, giảm thu hút FDI. Vì vậy WB khuyến cáo, Việt Nam không nên tăng lương tối thiểu quá cao.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cũng cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực.

Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động cho biết, đề xuất tăng lương đã tính toán kỹ lưỡng từ lý luận đến tuân thủ pháp luật. Hiện mức tăng lương tối thiểu đạt khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu.

“Như vậy theo lộ trình đến năm 2017 phải đạt mức tăng lương tối thiểu bằng đời sống tối thiểu, thì trong 2 năm còn lại phải đảm bảo từ 25 – 26%, tức mỗi năm phải tăng từ 12 – 13%, cộng thêm CPI khoảng 5%, tức là tương đương 17%” – ông Chính lý giải.

Ông Chu Văn An – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, mức lương tối thiểu tăng quá cao trong những năm gần đây đã làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu.

Cụ thể, năm 2015, mức lương tối thiểu tăng 15% so với năm 2014, tổng chi phí mà Thủy sản Minh Phú phải chi trả thêm cho bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cũng như nhiều khoản phúc lợi khác cho người lao động… tăng tới 35%.

Theo ông An, các chi phí liên quan đến phúc lợi của người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực. Tỷ lệ này ở Malaysia là 13%; ở Philipines là 10%; ở Thái Lan là 8% và ở Việt Nam là trên… 30%.

Do vậy, sau khi tính toán, Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiểu là 12,4%; 11,4% và 10,7%.

Cuộc họp quyết định tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 dự kiến diễn ra vào ngày 3/9 tới. Nếu như các thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia không thể tìm được tiếng nói chung, Chủ tịch Hội đồng sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng trước khi trình lên Chính phủ phê duyệt.

Nếu mức tăng 16,8% được chấp thuận, dự kiến mức lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ tăng từ 15,5-22,2USD/tháng (tương đương khoảng 340.000-490.000 đồng/tháng). Theo dự báo của nhiều chuyên gia trong ngành, mức tăng này sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp và làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên