MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng nợ có giúp nâng chất lượng tăng trưởng

Các kịch bản này đều cho thấy, nâng trần bội chi phát hành thêm TPCP có rủi ro đi kèm là mức lạm phát sẽ cao hơn và thâm hụt thương mại lớn hơn.

TS.Lê Đăng Doanh và một số chuyên gia kinh tế đặc biệt lưu ý việc nới trần bội chi NSNN để tăng đầu tư công cũng thêm quan ngại rằng, Chính phủ vẫn ưu tiên tăng trưởng. Trong khi đó, một số kết quả các nghiên cứu đã chỉ ra: tăng đầu tư công tác động đến tăng trưởng không nhiều nhưng lạm phát sẽ tăng ngay ở một vài quý sau. Bên cạnh đó là nỗi lo trả nợ và sự bền vững của ngân sách.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TBNH về vấn đề có rủi ro, bất ổn hay không khi Quốc hội cho phép Chính phủ nới bội chi, tăng phát hành trái phiếu trong những năm tới, TS.Võ Trí Thành – Phó viện trưởng CIEM đã dẫn Nghiên cứu 3 kịch bản kinh tế 2014 được dự báo khi đánh giá tác động quyết định trên của tác giả Nguyễn Anh Dương (CIEM).

Kịch bản cơ bản là kịch bản dự báo trong điều kiện “bình thường”. Theo đó, năm 2014, GDP tăng 5,47%, lạm phát cũng cao hơn 6,58%, thâm hụt thương mại lớn hơn, xuất khẩu tăng trưởng nhanh hơn. Năm 2015, GDP tăng 5,83%, lạm phát khoảng 6,9%, tăng trưởng xuất khẩu 16,43% và thâm hụt cán cân thương mại (CCTM) tăng lên 2,1 tỷ USD.

Kịch bản 1 khác kịch bản cơ bản ở chỗ lượng vốn đầu tư công đã tăng bằng với mức bổ sung được duyệt từ nâng trần bội chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ (TPCP), tăng trưởng kinh tế sẽ nhanh hơn, song áp lực đối với lạm phát và thâm hụt CCTM sẽ lớn hơn. Năm 2014, tăng trưởng GDP dự báo tăng 5,65%, lạm phát cũng cao hơn: 8,86%, thâm hụt CCTM lớn: 4,3 tỷ USD.

Kịch bản 2 cho thấy, nếu gia tăng nguồn lực từ đầu tư công đi kèm với các cải cách trong nước – hướng tới việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực này và kích thích khu vực tư nhân/khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gia tăng đầu tư sản xuất kinh doanh – thì GDP tăng nhanh hơn và cao hơn “Kịch bản 1” khoảng 0,14-0,16 điểm phần trăm vào các năm 2014-2015 nhưng lạm phát cao hơn, tới 8,94% vào năm 2014 và 8,56% vào năm 2015; thâm hụt CCTM cũng lên tới 4,9 tỷ USD và 4 tỷ USD vào các năm 2014 và 2015.

Các kịch bản này đều cho thấy, nâng trần bội chi phát hành thêm TPCP có rủi ro đi kèm là mức lạm phát sẽ cao hơn và thâm hụt thương mại lớn hơn.

“Như vậy, việc phải chuyển hướng chính sách sang thúc đẩy tăng trưởng sẽ đặt ra quan ngại rằng, những rủi ro ấy có thể bùng phát trở lại. Bài học từ những năm trước đó đòi hỏi Việt Nam cần thận trọng hơn”, TS.Võ Trí Thành lưu ý. Theo ông, việc tăng đầu tư công sẽ có hiệu quả nếu đi kèm việc tái cơ cấu thực sự.

Ông Thành nhắc lại kết quả một nghiên cứu cho thấy, thời điểm năm 2009, Chính phủ cũng có gói kích thích tài khóa khoảng 145.600 tỷ đồng (tương đương 8,7% GDP). CIEM cho rằng, gói này chỉ giúp cho tăng trưởng GDP cao hơn khoảng 1-1,5 điểm phần trăm. Như vậy, ngay cả khi dùng toàn bộ 0,5% GDP thêm từ nâng trần bội chi NSNN cho đầu tư công và khoản này giải ngân nhanh, mang lại tác động ngay thì tăng trưởng GDP có thể cũng chỉ làm tăng thêm 0,057-0,086 điểm phần trăm trong năm 2014.

Theo tác giả Nguyễn Anh Dương, năm nay, việc nâng trần bội chi NSNN chỉ mang lại hiệu quả tăng trưởng lớn nhất khi nguồn lực được giải ngân nhanh vào những lĩnh vực có thể phát huy hiệu quả nhanh. Với năm 2014, nếu chỉ dùng thêm nguồn lực từ nâng trần bội chi NSNN là 0,5% GDP thì việc gia tăng đầu tư công giúp thực hiện mục tiêu tăng trưởng (GDP) hợp lý khoảng 5,5%-5,8% là rất khó khăn.

Với giả thiết phần tăng thâm hụt ngân sách được sử dụng toàn bộ cho đầu tư và thực hiện ngay đầu quý I/2014 thì tăng trưởng kinh tế sẽ tăng ngay cùng quý, nhưng giảm trong quý tiếp theo và ít biến động trong các quý còn lại. Thâm hụt CCTM sẽ tăng ngay lập tức. Theo đó, áp lực đối với tỷ giá là khá rõ ràng, có thể buộc tỷ giá phải tăng liên tục.

Một lo ngại khác là việc gia tăng nguồn lực cho đầu tư công có khả năng chèn lấn nguồn lực đầu tư của khu vực tư nhân. Vấn đề đáng lo ngại nữa là áp lực trả nợ gốc và lãi cũng đã lớn hơn, lên tới 25-26 nghìn tỷ đồng/quý, tương đương với khoảng 16% thu ngân sách. “Vấn đề không phải là nợ công có an toàn hay không mà là khả năng trả nợ đến đâu”, theo tác giả Nguyễn Anh Dương.

Từ 3 kịch bản trên, TS.Lê Đăng Doanh và một số chuyên gia kinh tế đặc biệt lưu ý việc nới trần bội chi NSNN để tăng đầu tư công cũng thêm quan ngại rằng, Chính phủ vẫn ưu tiên tăng trưởng. Trong khi đó, như kết quả các nghiên cứu kể trên chỉ ra: tăng đầu tư công tác động đến tăng trưởng không nhiều nhưng lạm phát sẽ tăng ngay ở một vài quý sau. Bên cạnh đó là nỗi lo trả nợ và sự bền vững của ngân sách.

“Nhà nước thu thuế của dân thì phải mang lại lợi ích cho dân nhưng tỷ lệ đầu tư cho dịch vụ công như y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội rất thấp trong khi đầu tư cho khu vực kinh tế thì chiếm quá lớn”, ông Doanh bày tỏ băn khoăn.

Theo Linh Linh


thunm

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên