MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tăng trưởng cao nhưng nội lực còn yếu”

Đó là chia sẻ của Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khi nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo” được tổ chức mới đây.

Chia sẻ tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo” mới đây, PGS. TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế nhận định, trong 6 tháng, việc kiểm soát lạm phát đã đạt được kết quả hơn mong muốn. CPI 6 tháng tăng 0,55%; thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2014 – thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2001 đến nay.

Vị chuyên gia này đánh giá, lạm phát thấp có tác động rất lớn đến kinh tế xã hội, mang lại niềm vui cho người tiêu dùng, sự an tâm của các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô yên tâm hơn trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường.

Kết quả của 6 tháng là tín hiệu khả quan để cả năm CPI sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5%; có thể còn tăng thấp hơn các năm trước (năm 2012 tăng 6,81%; năm 2013v tăng 6,04%; năm 2014 tăng 1,84%); thậm chí chỉ ở mức 1,7% như dự báo của Ngân hàng ANZ.

“Tuy nhiên, việc kiểm soát năm nay chỉ được coi là thành công nếu mức tăng giá vẫn tạo được đà cho tăng trưởng” – ông Long nhận định.

Bên cạnh đó, Chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, tăng trưởng của 6 tháng đầu năm cao nhưng nội lực còn yếu.

Nền kinh tế đã được phục hồi nhưng hàng loạt các yếu tố kinh tế nền tảng chưa được cải thiện. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng cao; nhập siêu nửa đầu năm đã lên đến 3,75 tỷ USD; hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước giảm, khu vực FDI vẫn tăng trưởng cao.

“Rõ ràng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn và doanh nghiệp trong nước vẫn yếu thế hơn doanh nghiệp FDI” – vị chuyên gia này cho biết.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản giảm tới 858 triệu USD trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu giảm do giá cả và sản lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản và khoáng sản đều giảm.

Ông Long dẫn chứng, sự lan tỏa của các doanh nghiệp FDI về công nghệ với doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu. Điều này thể hiện qua việc Samsung cần 100 doanh nghiệp phụ trợ, nhưng toàn phải đưa từ bên ngoài vào.

“Chính phủ và các Bộ đã đặt nhiều mục tiêu, có nhiều kế hoạch cho ngành ô tô nhưng không ai vào. Ô tô lắp ráp trong nước số lượng ít và chẳng ai muốn làm nữa” – Chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét.

Đồng thời, cũng theo vị chuyên gia này, một trong những nguyên nhân khiến cho các loại hàng hóa của Việt Nam trở nên kém cạnh tranh là do đồng USD lên giá.

“Năm 2015 là năm của hội nhập với hàng loạt các hiệp định thương mại đã và đang được ký kết; song Việt Nam không có doanh nghiệp phụ trợ để đón đầu” – ông Long lo ngại.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên