MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng GDP trong giai đoạn “nước rút”

Tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2014 đang chịu nhiều sức ép đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra là đạt 5,8% trong năm 2014.

Tăng trưởng dưới tiềm năng

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Kết quả mà nền kinh tế trong nửa chặng đường đầu của năm 2014 đạt được theo các số liệu thống kê vừa công bố là “mừng nhiều hơn lo”. Về cơ bản, các điểm sáng mà nền kinh tế có được trong năm qua vẫn tiếp tục sáng, các chỉ số kinh tế vĩ mô về tăng trưởng, lạm phát, XNK, đầu tư, thu chi ngân sách… cho thấy mục tiêu “kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” vẫn đang được thực hiện. 

Tuy nhiên, đằng sau những kết quả như vậy thì vẫn còn đó ngổn ngang nhiều nỗi lo về sự trì trệ, “trầm cảm” của nền kinh tế và xuất hiện những thách thức mới đến từ “biến cố biển Đông”, với hệ quả về kinh tế chưa thực sự rơi vào quý II do có độ trễ nhất định.

GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết thêm: Theo đánh giá triển vọng kinh tế thế giới của nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước, các hoạt động kinh tế ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong năm 2014 còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại và có những ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phục hồi kinh tế. Bởi vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2014 là 5,8% cũng là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam.

Thời gian qua nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều đưa ra các dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014 thấp hơn chỉ tiêu 5,8% mà Chính phủ đặt ra. Ngân hàng Thế giới đã nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định nhưng tăng trưởng vẫn dưới mức tiềm năng. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Tăng trưởng năm 2014 dự báo ở mức 5,4% vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. 

Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn do cầu trong nước còn yếu. Còn triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Một dự báo tăng trưởng gần đây được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2014 tương đối thấp với mức tăng trưởng khoảng 4,15% - 4,88% và lạm phát khoảng 4,76% - 5,51%.

Nhiều khó khăn và thách thức cho cuối năm

Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế quốc dân, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ đạt mức 5,4%-5,5% và để thực hiện được chỉ tiêu này thì nhiệm vụ tăng trưởng đặt ra cho 6 tháng cuối năm phải đạt 5,6%-5,8%. Đây là điều phải phấn đấu mới có thể hoàn thành, bởi có nhiều khó khăn và thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có sự giảm sút của các yếu tố kinh tế nội địa, những tác động không tích cực từ sự kiện biển Đông ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế, ít nhất là trong 6 tháng cuối năm 2014 và sang cả năm 2015... Nếu các “nút cổ chai” này không được tháo gỡ thì nguy cơ thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 5% sẽ trở nên khó khăn.

GS.TS Trần Thọ Đạt phân tích: Xuất phát từ tình hình thực tế và dựa trên các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, Chính phủ xác định rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong thời gian tới với những biến động bất thường trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ cần phải được sử dụng một cách chủ động và linh hoạt hơn. 

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% và lạm phát 7% theo mục tiêu của Chính phủ, kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng cung ứng tiền tệ cần tăng khoảng từ 18,1% đến 19,3% so với năm 2013 và tăng chi tiêu Chính phủ phải vượt dự toán từ 11,2% đến 12,1%.

Trong một hội thảo do Đại học Kinh tế Quốc dân và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức gần đây, TS Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: Chỉ tiêu kinh tế năm 2014 có thể cán đích theo chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao năm 2014 nếu các chỉ tiêu kinh tế 6 tháng cuối năm không có biến động bất thường. Thách thức lớn của Việt Nam trong thời gian tới chính là tìm ra giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp đà phục hồi. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải cải thiện nội lực, tăng chất lượng nguồn nhân lực để thay đổi năng suất theo hướng tích cực.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7-2014, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho rằng: Việt Nam đã cải tổ từ một nền kinh tế nông thôn nghèo sang nền kinh tế có thu nhập trung bình đang lên, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% trong thời gian gần đây. Hàng triệu người Việt Nam đã được hưởng lợi từ quá trình này. Tỉ lệ nghèo đã giảm từ 60% những năm 90 thế kỉ trước xuống dưới 10% hiện nay. 

Thu nhập của 40% người nghèo nhất đã tăng 9% hàng năm trong hai thập kỉ qua. Tuy nhiên Việt Nam hiện nay đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Tăng trưởng đang chậm lại và kinh tế đang phát triển thấp hơn tiềm năng. Do đó cần đẩy mạnh cải cách để tăng cường hiệu quả trong các DNNN và khu vực tài chính. Điều này cũng bao gồm thúc đẩy phát triển xanh và cải cách khu vực tư nhân để tăng việc làm, sáng tạo và tăng trưởng năng suất cao.

“Nếu tiến hành cải cách quyết liệt ngành tài chính và các DNNN, tạo ra một mức độ minh bạch và trách nhiệm cao hơn thì Việt Nam sẽ có thể quay trở lại con đường tăng trưởng nhanh” - ông Jim Yong Kim nói.

Theo Lương Bằng

cucpth

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên