MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tăng trưởng GDP và nhiều chỉ tiêu kinh tế sẽ về đích ấn tượng"

Chiều nay (26/6), Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 đã chính thức bế mạc. Đây là kỳ họp được các đại biểu dành nhiều thời gian cho việc xây dựng pháp luật cũng như thảo luận các vấn đề "nóng" của đất nước.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình), Ủy viên Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội đã có trao đổi với PV xung quanh việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2015.

Xin ông cho biết những đánh giá về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Theo ông những mục tiêu đề ra của Quốc hội có thực hiện thành công hay không?

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Có thể nói năm 2014 tình hình kinh tế có nhiều điểm sáng, tăng trưởng, GDP tăng vượt mức kế hoạch đặt ra, tình hình lãi suất ngân hàng giảm, tiền tệ ổn định, nợ xấu giảm, nợ công trong giới hạn cho phép, đời sống nhân dân ổn định, chính trị ổn định.

Quốc hội cũng đánh giá và nhận xét quý 1/2015, tình hình kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng và phát triển, giá cả thị trường ổn định. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát trong tầm kiểm soát và tất cả các yếu tố về mặt xã hội đều ổn định tốt.

Thuận lợi tiếp theo là một loạt các dự luật được sửa đổi theo tinh thần Hiến pháp 2013. Nhiều dự luật có hiệu lực từ 1/1/2015 như Luật Đầu tư, Luật thuế, Luật Doanh nghiệp… Các dự luật này đã sửa được cơ bản và tạo điều kiện mức độ cao nhất, thuận lợi nhất cho nhân dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, nhiều thủ tục hành chính cũng được cắt giảm, thêm nữa là hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến các thị trường lớn nhờ thuế suất bằng 0%.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi có hàng loạt thách thức. Chúng ta đã vào sân chơi toàn cầu nhưng các doanh nghiệp Việt Nam còn bé nhỏ, chất lượng, trình độ quản trị hạn chế, thương hiệu còn chưa mạnh, thiếu về kiến thức, ngoại ngữ, tài chính, quản trị, thiết bị công nghệ lạc hậu…

Đây là mặt hạn chế bởi hàng hóa của nhiều nước, thậm chí là xét trong khu vực thì cũng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ nên khi vào sân chơi, chúng ta sẽ phải chấp nhận sự cạnh tranh này.

Đứng trước khó khăn trên, nhất là xu hướng hội nhập ngày càng sâu, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải làm gì?

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Theo tôi, việc đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải cấu trúc lại ​lĩnh vực kinh doanh, trong đó cách tốt nhất và nên đầu tư vào ngành hàng trọng tâm, có lợi thế, truyền thống, tránh đầu tư dàn trải ra các lĩnh vực không có chuyên môn sâu. Thực tế, sau cơn khủng hoảng vừa rồi chúng ta thấy mô hình quản trị doanh nghiệp tốt là yếu tố để dẫn tới thành công.

Hiện nay năng suất lao động chúng ta còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó, phải chú ý đầu tư thiết bị máy móc tiên tiến và hiện đại thì mới có thể cạnh tranh được. Bên cạnh đó phải chú ý đào tạo chất lượng nguồn nhân lực đủ điều kiện vươn ra thế giới...

Hiện nay chúng ta có khoảng 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ thì việc hội nhập sẽ ra sao khi áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt?

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Tôi nghĩ chúng ta không quá lo sợ với xu hướng hội nhập, bởi lẽ sau đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua thì doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức rất rõ những thành công, thất bại trong cạnh tranh.

Tuy nhiên, để cho các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh hiệu quả thì về mặt chính sách cần tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp có điều kiện hoạt động.

Có thể thấy, hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 90% nhưng chúng ta chưa có luật doanh nghiệp nhỏ và vừa, do vậy trong chương trình xây dựng luật kỳ tới, Quốc hội cần họp bàn về vấn đề này để vừa quản lý, vừa tạo điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp.

Vấn đề nhập siêu trong 6 tháng đầu năm đã ở mức khá cao (​khoảng 3,5 tỷ USD), trước áp lực nhập siêu lớn như vậy theo ông từ giờ đến cuối năm việc điều hành kinh tế xã hội có đạt được các mục tiêu đề ra hay không?

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Theo tôi từ đầu năm đến giờ ​kinh tế luôn tăng trưởng với con số ấn tượng. Với đà này nhiều chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, như tăng trưởng GDP ở mức 6,2% ​sẽ hoàn thành, thậm chí là vượt mức.

Còn về nhập siêu, hiện chúng ta đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm thu hẹp chênh lệch thương mại. ​Đơn cử, ngành dệt may, da giày, nông nghiệp đang phát triển tốt và một số ngành công nghiệp chúng ta đang khuyến khích bằng cơ chế, khen thưởng doanh nghiệp để tạo điều kiện kích cầu doanh nghiệp phát triển.

Một yếu tố nữa là tiền tệ năm nay ổn định và đang nghiên cứu lãi suất ngân hàng giảm tiếp để các doanh nghiệp có đầu vào thấp hơn đầu ra sẽ tốt, doanh nghiệp phát triển được mặt khác nữa hàng loạt cơ chế chính sách của chính phủ đã đưa ra trong năm 2015 này, các giải pháp này đều tích cực, tốt, chắc chắn những giải pháp làm tốt thì kinh tế năm 2015 sẽ phát triển tốt đẹp, hoàn thành mục tiêu đề ra.

- Xin cảm ơn ông./.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,2%. Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%...

 

Theo Đức Quảng - Trung Hiền

VIETNAM+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên