MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tất nhiên là Dân tộc này sẽ vẫn sống"

Để sống đàng hoàng, sống cho đáng sống, nỗ lực là không của riêng ai.

Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 đã chính thức kết thúc với lời cảm ơn trịnh trọng của ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban kinh tế quốc hội. 

Việc mổ xẻ tình hình kinh tế thời gian qua là một cơ hội để các nhà hoạch định chính sách nhìn lại những gì đã làm và chưa làm được. Vì là mổ xẻ, nên những vết đau, những ổ bệnh sẽ được để ý và chú trọng hơn cả. Gì thì gì, các buổi hội thảo là để tìm giải pháp, không phải là để tung hô. 

Nói như vậy không có nghĩa là kinh tế Việt Nam đã đi đến hồi bết bát. Vẫn có những điểm sáng đáng được ghi nhận. Và nói như ông Võ Trí Thành, đằng nào thì dân tộc này vẫn sẽ sống thôi. Chỉ có điều, sống sao cho đáng sống, sống cho đàng hoàng.

Ông Thành cho rằng, đừng trông chờ vào sự đồng thuận. Cái chúng ta hướng tới là tiếng nói chung và ý chí cá nhân mạnh mẽ, quyết liệt. Kể từ sau cơ hội chúng ta đã làm năm 86 - 89, đây là cơ hội lớn nhất. Cơ hội của Việt Nam chỉ đến với 2 điều kiện: cải cách quyết liệt, lòng tin sẽ quay trở lại.

Dòng sự kiện: Diễn đàn kinh tế mùa thu

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp lại thể hiện sức bật đáng kinh ngạc. Bà Phạm Chi Lan cho biết trong quá trình đi thực tế tới các doanh nghiệp tư nhân, bà ngạc nhiên thấy các doanh nghiệp đã tự điều chỉnh, chọn cách đi mới, chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh. Hướng đi của các doanh nghiệp trở nên bền vững hơn, không còn tận dụng tài nguyên, lao động giá rẻ mà chú trọng vào thay đổi công nghệ, tập trung chuyên môn hóa thay vì đa dạng hóa kinh doanh như trước...

Về cơ hội đối với TPP (Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương), có tới 70% yêu cầu là từ cải cách trong nước. Đó cũng là sức ép lẫn thời cơ cho các doanh nghiệp Việt thoát khỏi vòng xoáy gia công. 

Phải tận dụng những gì đã có

Vậy chúng ta đang có những gì? 

Ít nhất vẫn còn hơn 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, cho dù con số đăng ký cao hơn thế nhiều lần. Không ít doanh nghiệp trong số đó thậm chí còn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng khá, từ 20 - 30%. 

Hệ thống luật pháp, mặc dù bị khá nhiều ý kiến kiến nghị lẫn chê bai, thì cũng không phải là không có gì. Chỉ có điều, cái gì đã có thì làm cho tốt, làm cho nhất quán. Ví dụ, luật đấu thầu đã có, sao chỉ có khoảng 30% các gói thầu thực hiện theo luật? Còn lại là chỉ định thầu, nảy sinh các móc ngoặc thiếu lành mạnh. Các văn bản pháp quy đã được rà soát, sao chưa sửa đổi?...

Những quy định thiếu thực tế, thậm chí siêu thực cần được dỡ bỏ, tránh rơi vào tình cảnh đánh bẫy, cản chân các doanh nghiệp. 

Đơn cử, luật phá sản. Có ý kiến cho rằng, nếu thực hiện đúng, có đến 90% các doanh nghiệp sẽ rơi vào diện phá sản! Ở một trường hợp khác, đối với ngành dệt may, có quy định yêu cầu nước thải phải là loại A, hiểu nôm na là có thể....uống được! Với trình độ công nghệ hiện tại của hầu hết các doanh nghiệp, không chỉ là dệt may, yêu cầu này vượt quá khả năng thực hiện.

Một lần nữa, chúng tôi muốn nhắc lại lời của TS. Võ Trí Thành: "Tất nhiên là Dân tộc này sẽ vẫn sống". 

Để sống đàng hoàng, sống cho đáng sống, nỗ lực là không của riêng ai.

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên