MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức mang tên AEC

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được hình thành vào năm 2015. Với vận hội lớn về một thị trường chung ASEAN, DN Việt đã và đang chuẩn bị gì cho hành trang hội nhập?

“Lực bất tòng tâm”

Được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của nền kinh tế Đông Nam Á, AEC sẽ đồng nhất nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của khu vực với dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD.

Đánh giá về những vận hội của DN Việt khi AEC hình thành, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, với mục tiêu của AEC là tiến tới một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề sẽ giúp DN Việt tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi lớn, DN cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mà rõ ràng nhất là việc AEC xóa nhòa ranh giới của các dòng thuế, đi kèm với các hàng rào phòng vệ thương mại đang có xu hướng gia tăng.

Trước sức ép cạnh tranh về một thị trường mới mà nếu DN nào không chịu được, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường, DN Việt đã có sự chuyển biến tích cực trong việc quan tâm và chuẩn bị trước các hiệp định kinh tế. Điều này cũng trái với dự đoán của một số chuyên gia cho rằng, DN thờ ơ với Cộng đồng kinh tế ASEAN, mà ngược lại, các DN đã có sự chuẩn bị, chỉ có sự chuẩn bị của mỗi DN là khác nhau.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP. Hà Nội (HASMEA) cho biết, Hiệp hội đã được các cơ quan Chính phủ cấp thành phố thông tin tuyên truyền về AEC, về những khó khăn và thuận lợi khi Việt Nam mở cửa với AEC. Bản thân DN cũng chủ động đón nhận thông tin từ các cơ quan truyền thông và báo chí.

Tuy nhiên, chia sẻ của ông Mạc Quốc Anh lại cho thấy một câu chuyện khác. Đó là mặc dù DN đã biết về một vận hội mới đang chờ đón ở phía trước nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế có sức tàn phá âm ỉ từ năm 2008 (cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008) đến nay đã khiến DN “sức tàn lực kiệt” làm cho DN không thể hội nhập một cách trọn vẹn. Giải thích cho việc không thể hội nhập một cách trọn vẹn, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, với những khó khăn do tác động của nền kinh tế mang lại, DN chỉ cố gắng hết sức để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa kể khá nhiều DN đã không thể trụ lại với thương trường, nên mặc dù biết về những thách thức sắp tới song DN không còn khả năng để chuẩn bị một cách chu đáo.

Cùng tâm tư với ông Mạc Quốc Anh, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) thậm chí còn đang “lo sốt vó, không biết đến lúc đấy thì chạy bằng cái gì”. “Chúng tôi còn đang phải đi khảo sát, tính toán các nhu cầu của cộng đồng ASEAN. Chúng tôi đã tìm hiểu một thời gian rồi nhưng chưa đâu vào đâu cả. Đặc biệt, đầu năm 2014, công ty đã thành lập một bộ phận để lo về AEC nhưng còn rất nhiều thứ, khó khăn, thuận lợi thế nào, DN cũng đã có thông tin nhưng còn phải tìm hiểu thêm” - ông Tam cho biết.

“Chạy” cùng AEC

Sự lo lắng của ông Lê Văn Tam âu cũng là tất yếu, bởi ngành Mía đường Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với đường Thái Lan và hiện lượng đường tồn kho của Mía đường Lam Sơn nói riêng và cả ngành Mía đường nói chung khá lớn. “Thái Lan hiện là nước đang đứng đầu khu vực về mía đường, với quy mô sản xuất, quy hoạch, chính sách thuế đều tốt thì mình làm sao theo được. Đường Thái Lan NK vào Việt Nam có giá rất rẻ, có sức cạnh tranh lớn vì đã được khấu hao hết rồi. Ngoài ra, quy mô sản xuất của Thái Lan lớn hơn chúng ta khá nhiều. Nông dân ở Thái Lan tối thiểu có khoảng 40-50ha/hộ để trồng mía, còn Việt Nam thì 1 hộ được nhiều lắm 5ha, còn không chỉ được chưa đến 0,5ha”- ông Tam phân tích.

Khó khăn là thế nhưng không phải DN chỉ biết kêu ca. Bà Vi Thanh Hồng, chuyên viên đối ngoại, Công ty TNHH XNK Nông sản Thăng Long cho biết, là DN chuyên XK hàng nông sản, mặt hàng các nước NK thường đòi hỏi rất gắt gao về chất lượng, do đó không phải chờ đến khi Việt Nam gia nhập AEC mà ngay từ khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng tôi đã phải nghiên cứu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi cơ hội hội nhập.

Ví von rằng hiện giờ DN đang phải “chạy” để chuẩn bị cho AEC, theo lãnh đạo Công ty CP Mía đường Lam Sơn, hiện DN đang cố gắng để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm XK, mở rộng sang nông nghiệp công nghệ cao, với các sản phẩm nông sản mới.

Khuyến cáo cho DN rằng mỗi DN cần có sản phẩm chủ lực, ông Mạc Quốc Anh phân tích thêm, hiện Việt Nam mới có sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp, do đó DN cần phát triển thêm sản phẩm liên quan đến trí tuệ hay sản phẩm mang lại giá trị gia tăng. “Hiện một số ngành như điện kim, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ đang không được các DN Việt “lựa chọn”, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ vốn khá phù hợp với quy mô vừa và nhỏ của DN Việt Nam. Với một nền kinh tế nhỏ, DN Việt Nam nên tập trung vào công nghiệp hỗ trợ để trở thành  nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu”- ông Quốc Anh cho biết.

Còn đối với DN “mang chuông đi đánh xứ người”, theo ông Quốc Anh, để thâm nhập được vào thị trường các nước ASEAN, bản thân DN cần đầu tư mang tính chất dài hạn, bền vững để có sản phẩm chiến lược thì mới thành công trong việc phân phối, thâm nhập thị trường, đặc biệt là những thị trường cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam. “Xây dựng một sản phẩm gần giống như việc đi tìm thị trường “ngách”, sản phẩm cần độc đáo, khác lạ nhưng vẫn phải thông dụng. Như thế sản phẩm của DN Việt mới được nhiều người sử dụng, mới vững chân được trên thị trường các nước”- ông Quốc Anh khuyến cáo.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương:

Thị trường AEC là một thị trường hàng hóa chung của các nước thuộc khối ASEAN. Để chuẩn bị cho thị trường này, Thái Lan vừa thực hiện thành công thương vụ mua lại Metro. Đây là một việc làm có chủ đích, nhằm xây dựng sẵn sàng một “cơ sở” để sau khi AEC hình thành, hàng hóa, sản phẩm của Thái Lan có thể nhanh chóng thâm nhập thị trường Việt Nam.

Ngoài hàng hóa, AEC còn cho phép lao động có tay nghề được phép di chuyển trong khối. Theo nội dung đàm phán cập nhật đến thời điểm này, các lao động có tay nghề gồm kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán, bác sỹ, nha sỹ, y tá, hộ lý, nhân viên du lịch. Sự chuyển dịch lao động cũng là điều mà DN cần chú ý bởi nếu không có chiến lược giữ chân nhân tài thì người lao động giỏi của DN Việt Nam có thể lựa chọn những vị trí làm thích hợp hơn. Do vậy, để giải bài toán chất lượng lao động chuẩn bị cho AEC, phương pháp giáo dục đào tạo của Việt Nam cần được chuyển đổi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thị trường.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Cho đến thời điểm này, phải nói sòng phẳng rằng, Chính phủ với tư cách là cơ quan quản lý và Quốc hội với tư cách là cơ quan xây dựng hàng rào luật pháp đã làm nhiều việc để hỗ trợ DN trong quá trình hội nhập khu vực nhưng chúng ta phải hiểu rằng, các DN cũng phải tự vươn lên trong quá trình hội nhập. Trong quá trình hội nhập, yêu cầu là hạn chế sự hỗ trợ của NN đối với DN nên bản thân DN phải tự điều chỉnh chiến lược phát triển của mình, không phải cứ tăng số lượng mà điều cần làm hiện nay còn là phải bán một phần DN, thu gọn lại sản xuất để tinh hơn. Trong điều kiện hiện nay, DN không thể đi theo hướng tăng số lượng hoặc giữ quy mô hoạt động cồng kềnh rồi cứ yêu cầu cho vay tín chấp. Hoạt động như vậy không phải là nền kinh tế thị trường. Nếu chúng ta vẫn cứ thực hiện như vậy, các tổ chức của ASEAN cũng sẽ phản đối bởi Nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp cho DN làm méo mó thị trường.

huongtt

Theo Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên