MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham gia các FTA thế hệ mới: Doanh nghiệp cần chủ động

Trong bối cảnh nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) dự kiến hoàn tất đàm phán từ nay đến năm 2015

Nếu không chủ động nắm bắt thông tin, các doanh nghiệp Việt Nam có thể lâm vào tình thế khó khăn, sụt giảm năng lực cạnh tranh ở môi trường kinh doanh mới.

Cơ hội lớn

Hiện nay, ngoài Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đang có 5 FTA mới đang đàm phán gồm: FTA Việt Nam- EU (EVFTA), FTA Việt Nam- Liên minh thuế quan Nga- Belarus- Karzakstan (VCUFTA), FTA ASEAN+6 (RCEP), FTA Việt Nam- Khối EFTA (VEFTA) và FTA Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA).

Ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên- Bộ Công Thương cho biết, việc tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do tạo ra những cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Điểm mới ở FTA thế hệ mới là phạm vi rộng hơn, bao gồm cả các lĩnh vực phi thương mại như: Môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ... Về mức độ, FTA thế hệ mới cũng thực hiện sâu hơn trong cam kết về hàng hóa (xóa bỏ 90- 100% thuế nhập khẩu), dịch vụ…

Thực hiện các FTA cũng đem lại lợi ích cho các DN, nhà đầu tư trong việc hình thành chuỗi sản xuất khu vực. Nguyên vật liệu đầu vào sẽ được hưởng ưu đãi, tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước, mở rộng thị trường cho sản phẩm, dịch vụ của các nhà đầu tư. Cơ hội tiếp cận thiết bị, công nghệ sạch và hiện đại, tiếp cận nguồn vốn đầu tư chất lượng, loại bỏ thuế quan, minh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu…

Doanh nghiệp cần chủ động

Theo Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế (INTAC), để DN Việt Nam tận dụng được các cơ hội từ FTA là điều không dễ dàng trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của nhiều ngành, nhiều DN còn yếu.

Thực tế cho thấy, nhiều DN vẫn chưa tận dụng được đầy đủ các lợi ích thuế quan từ FTA do không biết, không đáp ứng được các điều kiện về quy tắc xuất xứ, hay do thủ tục trình tự cấp C/O ưu đãi phức tạp… Việc tận dụng tỷ lệ C/O ưu đãi trên kim ngạch xuất khẩu còn rất thấp. Chẳng hạn, với những ưu đãi của Hàn Quốc, DN Việt Nam khai thác được hơn 70%; còn với các nước khác chỉ được khoảng 20%, thậm chí có những ưu đãi hoàn toàn bỏ trống.

Hơn nữa, việc mở cửa thị trường trong nước theo FTA có phạm vi rộng hơn, vì thế DN Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại. Các hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường này sẽ tăng lên chứ không giảm đi khi rào cản thuế không còn.

Theo ông Yoshitaka Kurihara - Chuyên gia tư vấn đầu tư tại Văn phòng đại diện JETRO TP.HCM: Khác với giai đoạn trước đây, khi DN ít tham gia và biết đến những cuộc đàm phán và hiệp định thương mại thì ở giai đoạn này, DN cần được tiếp cận thông tin đàm phán, được hướng dẫn để xác định, đánh giá tác động đối với DN, được tham vấn thực chất và thường xuyên.

Thêm nữa, khi FTA đã ký kết, cần cung cấp cho DN thông tin chính xác, đầy đủ, có thể hiểu được về các FTA, hướng dẫn cách thức thực tế để tận dụng các cơ hội từ FTA và đặc biệt là tư vấn về các FTA cho DN khi họ cần. Chính phủ có thể hỗ trợ những DN vừa và nhỏ bằng cách đào tạo, tư vấn, đây là những hỗ trợ không bị cấm theo các cam kết trong FTA.

Theo Ngọc Thảo

cucpth

Báo Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên