MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham tán kể khó khi doanh nghiệp cứ nhờ "tìm hộ" đơn hàng

Hội nghị Tham tán vừa chính thức được khai mạc và những câu chuyện tìm đường ra cho hàng Việt xuất ngoại được chính những người trong cuộc kể lại…

Được xem là những “cánh tay nối dài” cho cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin, tìm kiếm đối tác, khách hàng cho doanh nghiệp, tham tán thương mại có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu.

Chuyện đi tìm "mối" cho hàng Việt

Ông Nguyễn Bảo, Tham tán công sứ thương vụ Việt Nam tại Campuchia, chia sẻ nỗi khó khăn khi các thương vụ gánh trên vai chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Bởi có nhiều mặt hàng có lượng kim ngạch lớn, các tham tán không thể tác động được đến kim ngạch như dầu thô hay điện thoại, trong khi những sản phẩm như nông sản để đưa sang được thị trường nước ngoài, phải mất rất nhiều công sức.

Là một trong những thị trường có nhiều biến động trong 2 năm gần đây, song ông Phạm Quang Niệm, Tham tán Việt Nam tại Nga cho biết cũng không phải có không có cách để đưa hàng xuất khẩu vào thị trường này. Bởi có nhiều sản phẩm mà thị trường Nga thiếu, nên cơ quan thương vụ đã thông tin rất cụ thể để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp có chính sách xuất khẩu, như nông sản, thịt, thủy sản…

Với kinh nghiệm nhiều năm làm tham tán tại Nga, ông Niệm cho biết đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá hàng Việt cùng Đại sứ quán và Cục Xúc tiến thương mại. Như trong năm 2015, đã có 160 DN Việt Nam đưa hàng sang Nga giới thiệu tại triển lãm và điều đáng mừng hàng Việt được người Nga rất ưa thích.

“Chúng tôi đã ngỡ ngàng khi mà hàng bán được nhiều quá, nên có nhiều DN đã đăng ký mở văn phòng đại diện, mở gian hàng để bán hàng.Nên tôi cho rằng, nếu chỉ phổ biến thông tin mà không có xúc tiến thương mại thì khó mang lại hiệu quả. Người Nga chưa quen mua bán qua hệ thống thương mại điện tử, họ phải nhìn thực tế, ngay tại các quầy hàng” – ông Niệm nói.

Đặt trong bối cảnh tới đây FTA với Liên minh Á – Âu sẽ có hiệu lực vào tháng 6, Tham tán tại Nga cho rằng nếu không có bước chuẩn bị thì có thể sẽ bỏ qua nhiều cơ hội. Do đó, vị này cho rằng bên cạnh thông tin, cần tổ chức nhiều hội thảo diễn đàn để DN Việt Nam có sự chuẩn bị vào thị trường Nga.

Đối với những thị trường nhỏ, công việc của các tham tán thương mại lại càng vất vả hơn. Theo chia sẻ của ông Phạm Ngọc Cảnh, Tham tán thương mại tại Maroc, nhiều DN ngại xuất khẩu sang nước này do tình trạng gian lận thương mại. Có trường hợp hàng may mặc, hàng gia vị vào Maroc gặp khó khăn do những nghi vấn về hàng lậu, hoặc có những vấn đề về hóa đơn chứng từ, nên việc hỗ trợ cho doanh nghiệp là thường trực.

Và cái khó của người trong cuộc

Trong năm 2016, theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, Bộ Công Thương đưa ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 181,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2015. Do đó, hệ thống các tham tán thương mại đang hoạt động ở nước ngoài có vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thông qua việc cung cấp thông tin, quảng bá hàng hóa, hỗ trợ tìm kiếm hợp đồng, đơn hàng…

Tuy nhiên, các tham tán cho rằng thương vụ chỉ là cơ quan bộ phận chắp nối tạo điều kiện cho DN hoạt động thuận lợi hơn ở nước ngoài. Tuy nhiên, các tham tán chia sẻ rằng mỗi ngày nhận được rất nhiều câu hỏi về thị trường, đặc biệt là DN muốn tìm hộ khách hàng, nên rất khó để hỗ trợ.

“Việc cung cấp thông tin là rất quan trọng, nhưng tham tán không thể thay thế để làm hộ cho DN. Nếu DN ngồi nhà mà có thông tin thị trường là bình thường, nhưng ngồi nhà và mong có khách hàng qua thương vụ là rất khó. DN cần đầu tư chi phí quảng cáo, tham dự triển lãm thì mới có hiệu quả thiết thực” – một tham tán chia sẻ.

Do đó, nhiều tham tán đề nghị bên cạnh việc hỗ trợ cho thương vụ về thông tin, đặc biệt là thông tin chuyển về cho các bộ phận của bộ, thì DN cũng cần chủ động hơn để tham gia hội chợ, triển lãm ngay tại các nước sở tại để giới thiệu, quảng bá hàng hóa thì bạn hàng mới biết đến thương hiệu của Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 (HNTTTM 2016) và các hoạt động liên quan từ ngày 16 đến ngày 27 tháng 02 năm 2016.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, HNTTTM 2016 được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 với mục đích quán triệt và triển khai ngay các chỉ đạo của Đại hội Đảng, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại trên cơ sở tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang hội nhập rất sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới và vừa kết thúc đàm phán 4 Hiệp định tự do thương mại gồm TPP, Việt Nam – EU, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu và Việt Nam – Hàn Quốc.

Tại HNTTTM 2016 và các phiên họp chuyên đề các đại biểu sẽ nghe và trao đổi về các báo cáo của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành về công tác thị trường nước ngoài, nhiệm vụ và hoạt động của các thương vụ, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài… Ngoài ra, các Tham tán, Tùy viên sẽ có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cơ chế hợp tác thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu hàng nông sản, đối thoại với các doanh nghiệp, các sở Công thương và hiệp hội ngành hàng…

PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên