MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 5, sản xuất công nghiệp đã tăng gần 7%

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 5 ước đạt 56,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 6,8% so với tháng 5/2008.

Theo báo cáo của Bộ công thương, tính chung 5 tháng, sản xuất công nghiệp ước đạt 265,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

 

Các sản phẩm công nghiệp phục vụ cho sản xuất 5 tháng có tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Dầu thô tăng 19,9%, xi măng tăng 17,4%, thép tròn 13,2%, khí đốt tăng 8,6%, quặng apatít tăng 7,8%, điện sản xuất tăng 5,7%, phân urê tăng 3,4%,..

 

Các sản phẩm phục vụ tiêu dùng có tăng trưởng cao như: xà phòng giặt các loại tăng 8,7%, thuốc lá tăng 10,7%, bia tăng 7,4%; sản xuất sản phẩm điều hòa nhiệt độ tăng 17,3%, tủ lạnh tăng 22,9% tăng 12,5%.

 

Một số sản phẩm khác tiếp tục giảm như: giấy bìa giảm 28,8%, sữa bột giảm 12,0%, quần áo người lớn giảm 19,9%, dầu thực vật tinh luyện giảm 6,4%, ...

 

Điện cho sản xuất đã tăng trở lại


Sản lượng điện tháng 5 ước đạt 6,97 tỷ kWh, tăng 4,7% so với tháng 5/2008, tính chung 5 tháng ước đạt 31,8 tỷ kWh, tăng 5,7% so với cùng kỳ.

 

Điện thương phẩm 5 tháng ước đạt 27,6 tỷ kWh, tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong đó: điện dùng cho công nghiệp và xây dựng tăng 1,6% và chiếm tỷ trọng 49,0%; điện dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 10,3% và chiếm tỷ trọng 41,4%; điện dùng cho khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng mạnh 16,4% so với cùng kỳ.

 

Như vậy, điện dùng cho sản xuất đã bắt đầu tăng sau nhiều tháng liên tiếp giảm.

 

Các ngành công nghiệp chủ lực vận động tích cực


Sản lượng dầu thô tháng 5 tiếp tục tăng, ước đạt 1,43 triệu tấn, tăng 22,9% so với tháng 5/2008. Tính chung 5 tháng ước đạt 7,3 triệu tấn, tăng 19,9% so với cùng kỳ, tiêu thụ trong nước gần 3,4 tỷ m3 khí khô, tăng 8,6% so với cùng kỳ.

 

Trong tháng, nhiều nhà máy cán thép đã hoạt động trở lại nên sản lượng thép tháng 5 tăng đáng kể: thép tròn ước đạt 451 nghìn tấn, tăng 49,5% so với tháng 5/2008.

 

Nhóm vật liệu xây dựng, xi măng có tốc độ tăng nhanh nhất trong 2 tháng nay do gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng.


Tăng trưởng giá trị SXCN so với
cùng kỳ năm 2008

 

Sản xuất phân bón so với tháng 4, phân đạm urê ước đạt 82,3 nghìn tấn, tăng 9,9%; phân lân ước đạt 146 nghìn tấn, tăng 9,7%; phân NPK ước đạt 159,3 nghìn tấn, tăng 12,5%.

 

Tuy nhiên, sản lượng các sản phẩm hoá chất và khai thác than – khoáng sản vẫn gặp khó khăn.

 

Trong đó, tính chung 5 tháng, lốp ô tô giảm 40,3%, thuốc trừ sâu giảm 36,6%; axit thành phẩm giảm 17,9%; than sạch toàn ngành 5 tháng ước đạt 18,9 triệu tấn giảm 10,3% so với cùng kỳ...


Khoáng sản khai thác và sản xuất ra như: kẽm thỏi, thiếc thỏi, tinh quặng sắt, tinh quặng đồng 25%, tinh quặng titan... đều tiêu thụ chậm.


Chỉ riêng sản lượng quặng apatit ước đạt 883,7 nghìn tấn, tăng 7,8%; chất tẩy rửa tăng 14,1%.


Công nghiệp nhẹ phục hồi chậm

 

Trong ngành công nghiệp nhẹ, dệt may đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi ở thị trường Hoa Kỳ và EU, nên kim ngạch xuất khẩu của ngành trong tháng 5 tiếp tục giảm 11% so với tháng 5/2008, tính chung 5 tháng chỉ đạt 3,24 tỷ USD, bằng 28% kế hoạch năm và giảm 2% so với cùng kỳ.

 

Ngành da giày do thiếu đơn hàng xuất khẩu từ Hoa Kỳ, EU nên nhiều doanh nghiệp ngành da giày chỉ sản xuất cầm chừng, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất của ngành tháng 5 tiếp tục giảm 16% so với tháng 5/2008, tính chung 5 tháng giảm 20% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu da giầy 5 tháng chỉ đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ.

 

Ngành giấy hiện mới khai thác 80 - 85% công suất so với cùng kỳ. Để đảm bảo nguồn cung giấy in, giấy viết phục vụ cho năm học mới 2009 - 2010, ngay trong tháng 5 ngành giấy đã đẩy mạnh sản xuất và phân phối nên so với tháng 4, sản lượng sản xuất giấy các loại tăng 23,3%, tiêu thụ giấy các loại tăng 8%.

 

Lượng tồn kho giấy các loại đã giảm, khoảng 43 nghìn tấn.


Doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ trong tháng 5 tăng 1,9% so với tháng 4, trong đó tăng cao nhất là ngành khách sạn, nhà hàng tăng 2,8%.

 

Ngành du lịch sau 4 tháng đầu năm trầm lắng, tháng 5 đã tăng trở lại với mức 1,9% so với tháng 4.

 

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 452,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.



 

T. Thu

 

thaonp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên