MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh tra Chính phủ: Kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng tham nhũng

Chiều 15/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn còn chồng chéo

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 268.251 tổ chức, cá nhân. Qua đó, thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 11.298,6 tỷ đồng; 655,7 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.593,5 tỷ đồng (đã thu hồi 6.203,3 tỷ đồng, đạt 81,7%) và 514,7 ha đất.

Ngành Thanh tra đã ban hành 106.562 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.830 tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 76 đối tượng.

Tuy nhiên, công tác thanh tra còn những hạn chế, như một số bộ, ngành, địa phương triển khai thanh tra còn chậm so với kế hoạch; thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra ở một số cuộc thanh tra còn để kéo dài, chất lượng còn hạn chế; công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra tuy đã được quan tâm nhưng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản ở một số bộ, ngành, địa phương còn thấp, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn còn chồng chéo, trùng lặp; sự trao đổi, phối hợp giữa một số cơ quan thanh tra chưa thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế.

Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (86,6%, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2014); tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng hoặc đúng một phần giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2014 cho thấy sự nỗ lực và chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; vẫn còn một số địa phương, bộ, ngành lãnh đạo chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác tiếp công dân; xử lý đơn thư còn chậm, vi phạm về trình tự, thủ tục, hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn thư vẫn còn.

Kết quả thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt thấp. Một số địa phương giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn chậm, chưa quyết liệt; số vụ việc tái khiếu nhiều; việc chấp hành mệnh lệnh hành chính chưa nghiêm. Hiệu quả thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nhưng chậm được khắc phục.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành Thanh tra đã phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 09 cá nhân, kiến nghị xử lý hình sự 9 vụ, 7 đối tượng.

Cơ quan điều tra trong ngành Công an đã thụ lý điều tra 225 vụ, 600 bị can phạm tội về tham nhũng. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 103 vụ, 272 bị can; hiện đang tiếp tục điều tra 114 vụ, 320 bị can. Có 1 người tố cáo, phát hiện tham nhũng được khen thưởng.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành chưa được tập trung cao, còn thiếu quyết liệt, tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa tích cực và chưa phát huy hiệu quả thực tế; một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, chỉ  đạo thiếu kiên quyết dẫn đến việc thực hiện còn chưa nghiêm túc. Hiệu quả một số cuộc thanh tra trách nhiệm chưa cao. Việc nắm bắt thông tin về quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế nhất định.

Tiếp công dân phải thường xuyên, liên tục và hiệu quả

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Trong 6 tháng đầu năm, tiến độ triển khai và kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp có chuyển biến; chất lượng kết luận các cuộc thanh tra được nâng lên, các kiến nghị xử lý khách quan, chính xác, kịp thời, khả thi hơn. Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua thanh tra đạt cao, 81,7% cho thấy những cố gắng, nỗ lực của ngành Thanh tra.

Những kết quả tích cực đó đã giúp vị thế, uy tín của ngành Thanh tra được nâng cao trong quần chúng nhân dân, được sự ghi nhận của quốc tế. Công tác thanh tra thời gian qua đã góp phần giữ vững ổn định trật tự, an ninh xã hội, đặc biệt trong năm quan trọng khi cả nước tiến hành đại hội Đảng các cấp và tiến tới đại hội Đảng toàn quốc.

Tuy nhiên, một số địa phương, bộ ngành chưa quan tâm, chú trọng công tác thanh tra. Tình hình khiếu kiện còn nhiều, đặc biệt khiếu kiện đông người có tính gay gắt, kéo dài… Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thủ trưởng, cán bộ các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thi hành Luật Tiếp công dân, phải  coi đây là việc thường xuyên, hàng ngày để đảm bảo công tác tiếp công dân sâu sát, hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, nếu lãnh đạo địa phương nào quan tâm đến công tác tiếp dân thì địa phương đó giải quyết rất tốt việc khiếu nại, tố cáo.

Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra các cấp, các địa phương phải quan tâm chú trọng xây dựng ngành, có chiến lược dài hơi trước mắt và lâu dài, chiến lược thanh tra chứ không phải chỉ làm gấp gáp một số việc. Thanh tra các cấp phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách; tăng cường vai trò chủ đạo trong tham mưu các bộ, ban, ngành trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Trong thời gian tới, ngành Thanh tra phải chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo và phần mềm công tác thống kê, tổng hợp thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.

Trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thanh tra là làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để ổn định an ninh trật tự xã hội, phục vụ Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc.

Theo Lê Sơn

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên