MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảo luận dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)

Ngày 12/3, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã họp và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Trước đó, ngày 26/2, dự án Luật này cũng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 15.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp thứ 15 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã bỏ quy định “xóa đăng ký thường trú đối với các trường hợp bị đi tù, hoặc xuất cảnh từ 2 năm trở lên”. Đồng thời, bổ sung điểm mới là cho phép thực hiện việc thông báo lưu trú bằng hình thức qua điện thoại, hoặc qua mạng internet, mạng máy tính. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.

Các nội dung khác cơ bản vẫn được giữ nguyên, theo đó, điều kiện để được đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương là: có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại TP đó từ 2 năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhà của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Dự thảo luật cũng quy định, người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.

Điều kiện đăng ký thường trú còn khắt khe

Thẩm tra sơ bộ  dự án Luật, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết đa số các ý kiến trong Ủy ban tán thành điều kiện để được đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc Trung ương tăng từ 1 năm lên 2 năm. Tuy nhiên, nếu áp dụng tất cả các TP trực thuộc Trung ương thì quá rộng, nhất là nhiều nơi ở ngoại thành rộng rãi, không có mật độ dân số quá đông. Do vậy chỉ nên áp dụng ở khu vực nội thành.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Ngô Văn Minh (tỉnh Quảng Nam) cho rằng Bộ Công an cần làm rõ tại sao lại tăng điều kiện cư trú liên tục từ 1 năm lên 2 năm thì mới đủ điều kiện đăng ký thường trú?

Về quy định “Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi tạm trú”, ông Luyến cho biết nhiều ý kiến của Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quy định này có thể hạn chế quyền công dân.

Ông Đặng Đình Luyến giải thích đăng ký thường trú phụ thuộc nhiều vào điều kiện công việc, sống ở nhiều nơi trong cùng một TP nhưng vì không có nơi nào tạm trú 2 năm nên không được đăng ký thường trú. Nếu quy định như dự thảo sẽ gây khó khăn cho người dân. Đại biểu Phạm Trí Thức (tỉnh Thanh Hoá) thì cho rằng điều kiện này là “quá ngặt nghèo”.

Còn theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), khống chế bằng diện tích không phải là biện pháp tối ưu. Ví dụ, gia đình có bố, mẹ và con cái thuê mướn nhà ở hợp pháp đúng điều kiện. Nhưng diện tích thì chỉ có thế thôi, không đáp ứng được diện tích bình quân thì không được thường trú, như vậy là hạn chế quyền tự do cư trú của công dân.

“Chúng ta phải lường hết mọi vấn đề từ quy định này”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

Đồng tình với các góp ý trên, đại biểu Trần Văn Độ (tỉnh An Giang) cho rằng nếu điều kiện được đăng ký thường trú tại các TP thành phố lớn như dự thảo thì “nhiều điều kiện còn khắt khe hơn cả Luật Thủ đô”.

Đại biểu Trần Văn Độ nêu thực trạng ở TP Hồ Chí Minh có nhiều gia đình đã có nhà ở nội thành nhưng không ở mà cho thuê, rồi lấy tiền (có được từ cho thuê nhà) ra ngoại thành thuê nhà để sống. "Nay chúng ta yêu cầu họ phải thay đổi hộ khẩu (người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp phải làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú) thì chẳng hợp lý chút nào".

Vì vậy, đại biểu này đề xuất chỉ cần thực hiện theo Luật Cư trú hiện hành, không nên ban hành luật sửa đổi bổ sung Luật Cư trú vào thời điểm này.

Theo Thành Chung

Chinhphu.vn

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên