MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ sau động thái quyết liệt cải cách của Chính phủ?

Dồn dập những cải cách “mạnh tay” được Thủ tướng Chính phủ đưa ra từ đầu tháng 12 đến nay không những đã tạo áp lực lên hệ thống cơ quan Bộ, ngành mà còn là tín hiệu vui đối với doanh nghiệp.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu tiếp tục đà cải cách trên nền những kết quả đã đạt được của năm 2015 như giảm thời gian nộp thuế, tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh.

Theo đó, từ đầu tháng 12 đến nay, một loạt chính sách được đưa ra nhằm đẩy mạnh cải cách như tinh giảm biên chế; Cắt giảm thủ tục hành chính với các chỉ tiêu cụ thể về thời gian nộp thuế, giảm thủ tục xuất nhập khẩu; đẩy mạnh Đề án Chính phủ điện tử…

Cải cách không chung chung mà phải bằng mục tiêu cụ thể

Theo đó, số lượng biên chế công chức trong các bộ, ngành và địa phương năm 2016 giảm 4.139 so với năm 2015, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng đơn vị bộ ngành và địa phương, các hội có tính đặc thù.

Đối với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng còn đặt ra những chỉ tiêu cụ thể như đến năm 2020, thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ còn 5 ngày; năm 2016 dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu; đến năm 2020 còn dưới 5 ngày đối với hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu.

Đặc biệt, trong cuộc họp thường kỳ tháng 11, Thủ tướng đặc biệt lưu ý giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong bối cảnh Việt Nam có tới 45 triệu người sử dụng Internet và cơ chế, chính sách cũng đã khá đầy đủ. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36A về Chính phủ điện tử, đặt ra các mục tiêu cũng khá cụ thể.

“Chẳng hạn trong ngành Thuế, cuối năm nay phấn đấu 90% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử thì người dân sẽ không phải xách xe, xách tiền đi nộp nữa, nếu làm được thì cải cách rất lớn, rất thuận tiện. Các nước làm được thì không có lý do gì ta lại không làm được?”, Thủ tướng đặt vấn đề và nhắc lại “không có cách nào khác” là phải triển khai quyết liệt giải pháp này.

Đánh giá cao những nỗ lực cải cách mà Chính phủ đã đưa ra, ông Ray Mallon, cố vấn cấp cao Dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam (RCV) cho rằng trong bối cảnh nhiều chuyên gia quan ngại việc cải cách diễn ra còn chậm thì những chỉ thị, yêu cầu rất cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đưa ra là “điểm nhấn” giúp cho hoạt động tái cơ cấu thành công.

“Nghị quyết 19 là nội dung thể hiện tái cơ cấu nhiều nhất và đạt được kết quả nhất. Bài học đạt được từ Nghị quyết 19 là phải hết sức rõ ràng về mục tiêu đề ra, phải chỉ ra được kết quả là thế nào, thời gian đạt được là bao nhiêu chứ còn chung chung thì không thể đạt được kết quả.” - Ray Mallon đánh giá.

Chính phủ sẵn sàng đồng hành cùng DN: kỳ vọng có thay đổi lớn

Việc Thủ tướng đưa ra những yêu cầu cải cách với các chỉ tiêu cụ thể được TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, sẽ tạo nên những áp lực lớn đặt lên vai các Bộ trưởng. Hàng loạt các chính sách được ban hành, đi kèm với yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề, thậm chí là quy trách nhiệm rõ ràng cho các vị trí lãnh đạo là một sự đổi mới trong tư duy điều hành theo đánh giá của TS. Phong.

Đồng tình quan điểm trên, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cũng cho rằng những động thái trên rõ ràng thể hiện sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện tốt Nghị quyết 19.

Dẫn ra thông điệp của Thủ tướng tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015 là coi nhân dân là người quyết định thành công hay thất bại của nền kinh tế và sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, TS. Anh cho rằng con số GDP hay những báo cáo trên giấy cũng không phản ánh được đầy đủ nếu không cải thiện được mức sống người dân, người dân không có cơ hội tìm kiếm việc làm và cải thiện thu nhập.

“Tôi nghĩ đó là tín hiệu rất là tốt đối với nền kinh tế, cho thấy Chính phủ sẵn sàng đồng hành với DN, sẵn sàng lắng nghe DN để thực hiện những việc này. Nhưng để chúng ta làm đến đâu, giảm được giờ khai nộp thuế hay giảm thủ tục hành chính, thì cần phải làm tốt hơn và có thay đổi, đột phá nhiều hơn nữa trong thời gian sau.” – TS. Tú Anh nói.

Những nỗ lực cải cách để kiến tạo, tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng đã được các DN nhìn nhận với một sự kỳ vọng lớn. Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho rằng những động thái mà Chính phủ đưa ra là rất đúng hướng, giải tỏa “cơn khát” cho DN khi vẫn còn những bức xúc trong việc triển khai ở các cấp dưới.

“Những chỉ thị, yêu cầu mạnh mẽ được người đứng đầu Chính phủ đưa ra hy vọng sẽ mang lại nhiều cải cách hơn nữa trong thời gian tới, giúp tạo lập môi trường thuận lợi cho DN. Tuy nhiên để DN và người dân thực sự được hưởng lợi từ những cải cách mạnh mẽ này thì những Bộ ngành và các đơn vị cấp dưới triển khai thực hiện cũng phải có sự quyết liệt trong cải cách thì mới mang lại lợi ích cho nền kinh tế.” – đại diện doanh nghiệp này khuyến nghị.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên