MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường nông thôn cứu doanh nghiệp

Khi thị trường tại các đô thị lớn có hiện tượng bão hoà, các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ đã nhắm đến thị trường nông thôn. Thị trường các tỉnh đã giúp nhiều doanh nghiệp tăng doanh số.

Từ Pleiku, ông Ngô Nguyên Kha, phó giám đốc công ty cổ phần công nghệ MobiStar (phân phối thương hiệu điện thoại di động MobiStar) đón xe khách, theo đường 14 đến Đăk Nông. Khảo sát thị trường mất hai ngày, 6 giờ tối, ông đón chiếc xe khách để về TP.HCM. 5 giờ sáng hôm sau, ông Kha chỉ kịp thay đồ và ăn sáng cùng với gia đình là đến công ty triển khai những công việc cần làm cho thị trường những tỉnh đã đi trong suốt tuần qua.

Lặn lội…

5 giờ chiều cùng ngày, ông Kha lại đón xe đò xuôi về các tỉnh miền Tây Nam bộ: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang… Được hỏi lý do tại sao khảo sát thị trường bằng xe khách, ông Kha cười: “Trên những chuyến xe khách tôi phát hiện nhiều điều thú vị về chiếc điện thoại. Ở đó, có thể đo được thị phần của điện thoại di động cũng như tâm lý tiêu dùng của người dân”. Là nhà phân phối, không chỉ tìm hiểu sức mua của thương hiệu do công ty phân phối mà ông Kha còn tìm hiểu khách hàng muốn gì, từ giá cả cho đến những món hàng khuyến mãi. “Nếu ở các đô thị lớn, người dân thích hạ giá thì ở các tỉnh, người tiêu dùng lại thích những món hàng khuyến mãi như nồi cơm điện, bộ chén cao cấp… Nếu bê nguyên hình thức khuyến mãi ở thành phố lớn về tỉnh, nhiều lúc sẽ thất bại”, ông Kha chia sẻ thêm.

Hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Động cũng đã mở chuỗi bán lẻ tại các tỉnh. Theo ông Nguyễn Đức Tài, tổng giám đốc Thế Giới Di Động, việc mở chuỗi thực hiện theo quy trình: tìm và thuê mặt bằng, sau đó xây dựng, đổ hàng, tiếp thị và khâu cuối cùng là bán hàng. Thế Giới Di Động, trong năm 2011, tính đến nay đã mở hơn 100 cửa hàng mới. Mỗi điểm bán lẻ được đầu tư khoảng 3 tỉ đồng. Trong đó, 1 tỉ đồng là tiền đặt cọc mặt bằng và thiết kế, 2 tỉ đồng hàng hoá. Mục tiêu mà Thế Giới Di Động phấn đấu là trong năm 2011 có tổng cộng là 200 điểm bán lẻ trên toàn quốc, trong đó chủ yếu là thị trường các tỉnh.

Giúp tăng doanh số

Tám tháng đầu năm 2011, doanh thu của Nutifood tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, “Trong đó có sự đóng góp khá lớn của thị trường nông thôn. Chúng tôi đang đầu tư các điểm bán hàng ở nông thôn, đồng thời thực hiện trưng bày sản phẩm để tăng mức độ nhận biết của người tiêu dùng”, ông Trần Hữu Đức, giám đốc đối ngoại Nutifood, cho biết. Cũng theo ông Đức, đến cuối năm 2011 thị trường nông thôn sẽ chiếm đến 50% tổng doanh thu của Nutifood.

“Đừng nghĩ người dân ở các tỉnh không biết xài hàng cao cấp. Vấn đề quan trọng là nhà bán lẻ biết tổ chức cung ứng hàng hoá như thế nào để người dân tiếp cận với sản phẩm có giá trị cao”.

Vissan, trong tám tháng đầu năm 2011 đạt doanh thu bán hàng khoảng 3.000 tỉ đồng. Ông Phan Văn Dũng, trưởng phòng thị trường, cho biết: “Vissan đang tập trung chiếm lĩnh và khai thác thị trường nông thôn vì đây là sân nhà của doanh nghiệp Việt Nam. Công ty đã đầu tư 15 tỉ đồng cho kế hoạch phát triển mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn”. Theo số liệu thống kê từ phòng thị trường của Vissan, 70% sản lượng xúc xích tiệt trùng, 40% sản lượng đồ hộp (riêng đồ hộp nhãn hiệu Ba Bông Mai chiếm gần 90%) được tiêu thụ tại thị trường nông thôn.

Bidrico chọn nông thôn làm thị trường chính. Mỗi khi tung sản phẩm mới, Bidrico giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh trước, sau đó mới đưa sản phẩm quay lại TP.HCM. Ông Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc Bidrico, cho biết: “Chọn thị trường nông thôn để phát triển bởi sức cạnh tranh ở thị trường này không gay gắt, giá sản phẩm phù hợp với sức mua của người tiêu dùng”.

Cần nhanh chân

Thị trường nông thôn ngày càng trở nên hấp dẫn với nhiều nhóm hàng: thực phẩm chế biến, điện tử... Tại hội thảo về thị trường bán lẻ và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức vào tháng 6.2011, bà Nguyễn Nữ Tuyết Hồng, giám đốc nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường TNS, cho rằng: thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự dịch chuyển theo chiều rộng về thị trường nông thôn, thể hiện rõ nhất qua hàng trăm chuyến bán hàng về nông thôn được các doanh nghiệp thực hiện. Bà Nguyễn Hữu Ngọc Trân, giám đốc điều hành công ty sữa Vinamilk, đánh giá, nông thôn chiếm 69% dân số cả nước, tiêu thụ 46% giá trị ngành hàng tiêu dùng nhanh, chỉ riêng ngành hàng sữa nước, nông thôn tiêu thụ gần 40% giá trị.

Chiến lược mở rộng hệ thống của Thế Giới Di Động được đẩy mạnh từ đầu năm 2011 trở lại đây nhưng theo ông Nguyễn Đức Tài, phần đóng góp của hệ thống bán lẻ ở các tỉnh vào doanh thu tính đến nay với tỷ lệ khoảng 50%. Được biết, bình quân doanh thu của một điểm bán lẻ ước chừng 100 triệu đồng/ ngày. Quan điểm kinh doanh của Thế Giới Di Động, nếu điểm bán lẻ tại các tỉnh “lỗ” trong ba tháng sẽ đóng cửa nhưng đến nay, theo lời ông Đinh Anh Huân, giám đốc kinh doanh của Thế Giới Di Động, chưa phải đóng cửa một điểm nào. “Các điểm bán lẻ tại các tỉnh đang hoạt động có hiệu quả”, ông Huân nói.

Ông Vũ Quốc Việt Nam, giám đốc tiếp thị của hệ thống bán lẻ Viễn Thông A, cho rằng, mức sống và nhu cầu của người dân các tỉnh ngày càng tăng nhưng thị trường lại chưa được các doanh nghiệp chú trọng khai thác. “Nếu nhà kinh doanh biết tổ chức hệ thống bán lẻ với sản phẩm đa dạng, giá tốt và dịch vụ chất lượng cao sẽ thu hút được khách hàng”.

Ông Huân cho biết thêm: “Đừng nghĩ người dân ở các tỉnh không biết xài hàng cao cấp. Vấn đề quan trọng là nhà bán lẻ biết tổ chức cung ứng hàng hoá như thế nào để người dân tiếp cận với sản phẩm có giá trị cao”.


Theo Trọng Hiền – Bích Thuỷ
 SGTT.VN

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên