MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời trang Việt Nam vào sân chơi châu Á

Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 6 của Liên đoàn thời trang châu Á (AFF) vào ngày 22/11/2009.

Cho dù hơi sớm nhưng đã có thể khẳng định vị trí số 1 của của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2009 khi đang giữ kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu và sức tiêu thụ tại thị trường nội địa ngày một gia tăng.

Dù khó khăn, nhưng năm nay vẫn là một năm đầy thành công cho ngành dệt may không chỉ với việc tăng doanh thu mà còn là sự kiện lớn khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 6 của Liên đoàn thời trang châu Á (AFF) vào ngày 22/11/2009.

AFF là tổ chức tự nguyện của các Hiệp hội thời trang các nước châu Á, hợp tác với nhau để tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực thời trang của các nước thành viên, xây dựng và phát triển ngành thời trang khu vực với những giá trị gia tăng xuất khẩu ra thế giới.

Lần đầu tiên, thời trang Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ thời trang châu lục, đây sẽ là cơ hội để ngành thời trang Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực, cùng hợp tác xây dựng hình ảnh chung của ngành thời trang châu Á vươn ra thế giới.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc học tập và hợp tác với các nước thành viên có ngành thời trang phát triển trong châu Á nhằm đưa ngành công nghiệp thời trang Việt Nam phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.


Theo số liệu thống kê sơ bộ, kim ngạch xuất khẩu dệt may nay trong 2 tuần đầu tháng 11/2009 ước đạt 450 triệu USD, là mức cao so với cùng kỳ tháng 9 và tháng 10/2009.

Trong đó xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 252.77 triệu USD, gần bằng 60% kim ngạch thực hiện tháng 9, xuất khẩu sang EU ước đạt 85.11 triệu USD và xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 45.37 triệu USD.

Tính theo mặt hàng, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao là: áo thun (104 triệu USD), áo Jacket và áo khoác đạt trên 80 triệu USD, quần dài đạt 60 triệu USD, áo sơ mi đạt 30 triệu USD. Nếu duy trì được tiến độ xuất khẩu như hiện nay, đến cuối năm kim ngạch xuất khẩu cả năm 2009 sẽ vượt mức 9 tỷ USD.

Kết quả này thật đáng mừng trong giai đoạn kinh tế hiện nay nhưng theo các chuyên gia và những người tâm huyết với ngành dệt may thì chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế nếu tạo dựng được vị thế chủ động cho mình.

Lâu nay, ngành dệt may trong nước đã có nhiều doanh nghiệp lớn với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt hàng chục triệu USD nhưng thực tế các doanh nghiệp nói riêng và ngành dệt may nói chung vẫn chưa có được những thương hiệu và các sản phẩm ghi dấu ấn riêng của Việt Nam.

Giá trị của hàng dệt may sẽ được tăng lên gấp nhiều lần nếu chúng ta có những thương hiệu lớn, có các sản phẩm được đầu tư bằng chất xám để có kiểu cách, mẫu mã hợp với thị hiếu khách hàng, nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm thay cho chỉ đi gia công như hiện nay.

Các doanh nghiệp dệt may trong nước và các nhà thiết kế thời trang đều kỳ vọng thời trang Việt Nam sẽ hòa nhập hơn vào dòng chảy thời trang thế giới và có nhiều cơ hội khẳng định thương hiệu Việt cũng như mở ra nhiều thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.

Theo Thùy Linh
Công thương


phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên