MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút FDI giảm: DN “ngại” vì phải “đi đêm”?

Nếu môi trường kinh doanh không tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể sẽ không “chảy” sang Việt Nam mà chuyển dịch sang các nước trong khu vực do lợi thế cạnh tranh ngày càng cao hơn.

Sự sụt giảm dòng vốn FDI trong 6 tháng đầu năm đã khiến không ít các nhà quản lý và các chuyên gia phải “lo lắng”. Cũng bởi, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm chỉ đạt 5,49 tỷ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ năm 2014, và là tháng thứ 5 liên tiếp thu hút vốn FDI bị sụt giảm. Đáng chú ý, bức tranh thu hút FDI nửa đầu năm gần như “vắng bóng” các dự án tỷ đô.

“Sốt ruột” đón vốn ngoại

Bày tỏ sự sốt ruột khi Nghị quyết đánh giá tình hình FDI đã ban hành được 2 năm, song thực tế triển khai lại chưa đạt kỳ vọng, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng cần đánh giá việc thu hút FDI trên cở sở chất lượng và hiệu quả, chứ không phải là kéo về được bao nhiêu vốn.

Dẫn chứng, nhìn vào bức tranh xuất nhập khẩu, DN FDI vẫn chiếm ưu thế, song những giá trị mà khối này để lại trong nước rất khiêm tốn. Nếu như 6 tháng đầu năm DN FDI xuất khẩu được 52,7 tỷ USD, thì khối này đã phải nhập về tới 48,8 tỷ USD.

Theo đánh giá của ông Toàn, một trong những chủ trương của ta khi thu hút FDI là để đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập khẩu, tạo tính lan tỏa về công nghệ cho DN nội địa. Song trên thực tế, kim ngạch xuất nhập khẩu của DN FDI vẫn chưa có gì đổi mới, cho dù có xuất nhiều thì FDI cũng phải nhập nhiều.

Một trong những nguyên nhân là do FDI vẫn chưa tạo ra được sự lan tỏa với khối DN nội. Thực tế, nhiều dự án có trị giá tỷ đô của các tập đoàn đa quốc gia đã đổ về Việt Nam, song DN nội vẫn chưa thể chen chân vào chuỗi cung ứng. Dẫn đến, những giá trị gia tăng của khối FDI để lại cho Việt Nam chỉ ở mức thấp, khi DN Việt chỉ chiếm một phần nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cùng chung nỗi “sốt ruột” khi các dòng vốn FDI trên thế giới và khu vực đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ , song Việt Nam lại chưa đón bắt được cơ hội vàng này. Nhìn vào bức tranh FDI nửa đầu năm, Thứ trưởng Đông bày tỏ sự “quan tâm” khi mà tình hình giải ngân tăng, nhưng chỉ số thu hút lại giảm.

Gỡ từ môi trường kinh doanh

Thứ trưởng Đông kể câu chuyện, vừa rồi Nhật Bản tổ chức một đoàn tới 200 DN sang tìm hiểu và bày tỏ cam kết đầu tư vào Philippines. Trong khi nước này vẫn được đánh giá là đối tác đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Thực tế cần nhìn lại, vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đã giảm mạnh, từ 58 tỷ USD năm 2013, xuống còn 23 tỷ USD trong năm 2014.

Trong khi đó, hàng loạt các tập đoàn đa quốc gia đang rút khỏi Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, do chính sách tăng lương và hạn chế khuyến khích đầu tư vào các ngành gia công, gây ô nhiễm của nước này. Song, việc Việt Nam có đón được dòng vốn này hay không lại là bài toán không đơn giản.

“Dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài đang “tràn” sang nơi khác. Do đó, chính sách của ta phải quan tâm đến xu hướng này, nhanh nhạy hơn với tình hình, xu thế mới, chứ hiện vẫn chưa có sự chủ động gì”, Thứ trưởng lo ngại.

Hiện Việt Nam đang có rất nhiều yếu tố thuận lợi để thu hút mạnh mẽ vốn FDI. Đơn cử như chính sách cởi mở, nỗ lực thu hút đầu tư của Chính phủ, lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp… Tuy nhiên, theo đại diện của VAFIE thì cản trở lớn nhất trong thu hút dòng vốn FDI là những cải thiện trong môi trường kinh doanh, đặc biệt là thủ tục hành chính.

Ông Toàn cho biết, nhiều nhà đầu tư FDI “than phiền” về các chi phí “ngoài luồng”, hoặc “phàn nàn” về tính minh bạch. Với các nhà đầu tư, đây là những vấn đề “tối kỵ”, khi các chi phí “lót tay” hay “đi đêm” phát sinh không thể được ghi trong các hóa đơn, chứng từ. Lại thêm những thủ tục hành chính phiền hà, tác phong làm việc, đạo đức của cán bộ công chức, có nơi còn nhũng nhiễu, hạch sách...

Theo các chuyên gia, việc cải thiện môi trường đầu tư không có gì tốt hơn bằng những hành động cụ thể. Bởi nếu chỉ hô hào hay nói chung chung, thì rất khó để các nhà đầu tư có cái nhìn tích cực về Việt Nam. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia đàm phán ký kết các hiệp định, thì việc cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư sẽ là “chìa khóa” giúp nâng “chất” dòng vốn FDI.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên