MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu phí sai 6 năm, có trả lại cho dân?

Đó là tình trạng xảy ra ở trạm thu phí Nam Hải Vân (Đà Nẵng) của Công ty cổ phần xây dựng công trình 545 đã hoạt động suốt sáu năm qua.

Từ ngày 1-11-2009, trạm thu phí Nam hầm Hải Vân được bàn giao cho Công ty cổ phần xây dựng công trình 545 để thu phí hoàn vốn cho dự án đường Hòa Cầm - Hòa Phước (đoạn quốc lộ 1 dài khoảng 10km ở cực nam TP Đà Nẵng) theo hình thức BOT.

Điều đáng nói là Bộ Giao thông vận tải cho Công ty cổ phần xây dựng công trình 545 đặt trạm thu phí hoàn vốn tại địa điểm cách tuyến đường Hòa Cầm - Hòa Phước hơn 25km.

Chính việc đặt trạm không đúng chỗ này đã “lùa” hàng triệu xe xuất phát từ trung tâm TP Đà Nẵng và các tỉnh Tây nguyên đi theo quốc lộ 14 đổ về quốc lộ 1 ra hướng miền Bắc phải vào trạm thu phí, trong khi các xe này hoàn toàn không đi qua đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước.

Đặt trạm sai vị trí

Nói về trạm thu phí này, sáng 22-5 ông Tô Văn Hiệp - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Đà Nẵng - bức xúc: “Vô lý không thể tưởng tượng được. Dân không đi trên con đường do chủ đầu tư bỏ tiền ra xây dựng nhưng vẫn bị thu phí. Chúng tôi đã nhiều lần tha thiết đề nghị đặt trạm lại đúng vị trí nhưng mọi chuyện vẫn không thay đổi”.

Tương tự, ông Dương Văn Tuấn, chủ một đội xe khách chạy tuyến Huế - Đà Nẵng, nói: “Xe của tôi hằng ngày không chạy qua đoạn đường Hòa Cầm - Hòa Phước nhưng suốt bao năm nay vẫn phải đóng phí. Biết việc thu phí như vậy quá bất hợp lý nhưng đành cắn răng nộp phí vì không còn cách nào khác. Họ dựng trạm thu phí ngay miệng hầm Hải Vân, đẩy chúng tôi vào thế đường cùng. Nếu không chịu nộp tiền cho họ thì không thể vào hầm Hải Vân, còn cho xe chạy qua đèo Hải Vân thì nguy hiểm và tốn kém hơn”.

Theo ông Tuấn, hằng ngày có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn xe khách, xe tải xuất phát từ bến xe trung tâm TP Đà Nẵng đi các tỉnh phía Bắc buộc phải ngậm đắng nuốt cay để được đi vào hầm Hải Vân.

Không riêng ông Tuấn, ông Lê Văn Bình, lái xe container tuyến Lao Bảo (Quảng Trị) - cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cũng cho biết: “Suốt bao nhiêu năm rồi biết đó là điều vô lý nhưng đành chịu. Xe của công ty tôi từ Quảng Trị chở hàng ra vào cảng Tiên Sa, hoàn toàn không đi trên tuyến đường Hòa Cầm - Hòa Phước, nhưng nếu không nộp phí cho trạm của Công ty cổ phần công trình 545 thì chỉ có nước cho xe leo đèo Hải Vân”.

Không chỉ các xe chạy từ Đà Nẵng hướng ra Bắc, xe từ các tỉnh Tây nguyên đi phía Bắc theo quốc lộ 14B dù không đi qua tuyến đường Hòa Cầm - Hòa Phước nhưng suốt sáu năm nay cũng buộc phải “cống nạp” cho trạm thu phí Nam Hải Vân.

“Triệt buộc”?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tô Văn Hiệp nói: “Việc họ đặt trạm thu phí không đúng vị trí đã khiến cộng đồng doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng nhiều lần phản ứng. Nguyên tắc của một dự án BOT là chủ đầu tư bỏ tiền ra thì có quyền thu hồi vốn theo quy định của Nhà nước đối với xe nào lưu thông trên tuyến đường họ đầu tư. Đằng này làm đường một đằng, đặt trạm một nẻo để gom tất cả phương tiện không đi qua dự án của họ vào trạm thu phí”.

Ông Hiệp còn nhấn mạnh: “Hội đã nhiều lần kiến nghị, phản ảnh nhưng không ai giải quyết”.

Theo ông Trần Viết Hòe - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Đà Nẵng: “Họ triệt buộc chúng tôi. Nếu xe không chịu đóng tiền cho trạm thu phí Nam Hải Vân để được vào hầm Hải Vân thì biết đi bằng đường nào. Họ chơi khó chúng tôi quá”.

Giải thích về việc người dân và doanh nghiệp vận tải phản đối chuyện không đi trên đoạn đường Hòa Cầm - Hòa Phước vẫn phải nộp tiền cho trạm thu phí Nam Hải Vân, ông Thân Hóa - giám đốc Công ty cổ phần xây dựng công trình 545 - nói việc đặt trạm thu phí được sự cho phép của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính.

“Chúng tôi bỏ tiền ra đầu tư và Bộ Giao thông vận tải tính toán số phương tiện qua trạm để cho doanh nghiệp thu hồi vốn. Hiện tôi được biết dự kiến đến ngày 1-7 trạm thu phí Nam hầm Hải Vân sẽ không hoạt động nữa” - ông Hóa nói.

Chiều 22-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Trung, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng, cho biết hiện ông chưa nắm rõ việc thu phí trên bởi việc thu phí ở trạm Nam Hải Vân do Công ty cổ phần xây dựng công trình 545 thực hiện.

Ông Trung nói sẽ tìm hiểu, trao đổi lại với ông Hóa để có thông tin và trả lời báo chí sau. Trong khi đó, một lãnh đạo văn phòng UBND TP Đà Nẵng xác nhận TP Đà Nẵng biết vụ việc thu phí và việc đặt trạm ở gần hầm Hải Vân để thu phí cho tuyến đường Hòa Cầm - Hòa Phước chưa hợp lý.

“Vấn đề này trước đây doanh nghiệp vận tải có phản ảnh, tuy nhiên sau đó TP có họp nhưng cái này còn dùng dằng mãi đến nay chưa có ý kiến gì chính thức” - vị này nói.

Trạm thu phí sát nhau do thiếu quy hoạch

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong văn bản này, Bộ Tài chính nhấn mạnh do thiếu quy hoạch tổng thể phát triển trạm thu phí các dự án BOT nên xảy ra hiện tượng nhiều trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách 70km với trạm thu phí khác trên cùng tuyến đường như quy định. Điều này đã dẫn đến những bức xúc của người dân và khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án BOT.

Bộ Tài chính đánh giá các dự án BOT, BT do Bộ Giao thông vận tải quản lý đều do nhà đầu tư trong nước thực hiện và huy động vốn vay thương mại từ các ngân hàng trong nước với mức lãi suất vay tương đối cao.

Thị trường tín dụng hiện nay chủ yếu cung cấp các khoản tín dụng ngắn hạn và trung hạn, tín dụng dài hạn thì đa số khống chế thời gian vay dưới 22 năm. Thực tế theo hợp đồng tín dụng các dự án hiện nay, các tổ chức tín dụng chỉ cho vay thời gian dưới 20 năm, cá biệt một vài dự án là 22 năm. Cho nên Bộ Giao thông vận tải lưu ý khi lựa chọn nhà đầu tư nên xem xét đến các nhà đầu tư có khả năng huy động được các nguồn vốn phù hợp hơn.

Theo Bộ Tài chính, số lượng dự án BOT đi vào vận hành hiện chưa nhiều. Nhưng theo kế hoạch, một loạt dự án BOT, nhất là các dự án BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên và một số tuyến cao tốc, sẽ hoàn thành và thu phí từ năm 2016. Mức phí mà các phương tiện sử dụng tuyến đường BOT (chủ yếu trên tuyến quốc lộ Bắc - Nam), tuyến cao tốc sẽ có tác động trực tiếp đến chi phí vận tải, chỉ số giá tiêu dùng, sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc lập quy hoạch tổng thể trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ của cả nước. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa trình cấp có thẩm quyền về xây dựng quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT.

Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, Đồng Nai và Bình Dương là nơi có trạm thu phí giao thông thuộc loại dày đặc nhất nước. Tại Đồng Nai, ngoài trạm thu phí cầu Đồng Nai vừa đưa vào hoạt động thì ở TP Biên Hòa có nhiều trạm thu phí nằm dọc trên đường Bùi Hữu Nghĩa (phường Tân Vạn, xã Hóa An).

Cách khu vực này không xa là các trạm thu phí ở quốc lộ 1K. Nếu tài xế ra khu vực quốc lộ 1 có trạm thu phí ở huyện Trảng Bom, trạm thu phí cầu Đồng Nai, còn đi về quốc lộ 51 phải qua trạm thu phí T1, T2... Hiện tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục xây dựng trạm thu phí ở khu vực giáp ranh TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu. Có thể nói ở Đồng Nai “ra ngõ là gặp trạm thu phí”.

Trên các tuyến đường nối TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước, trạm thu phí cũng dày đặc. Cụ thể, tuyến đường ĐT743 nối Thủ Dầu Một (Bình Dương) tới cầu Hóa An (Đồng Nai) có tới ba trạm thu phí. Tại Bình Phước, đoạn quốc lộ 13 chưa đầy 70km có hai dự án BOT như trạm thu phí tại km 105+700 (thuộc xã Thanh Phú, thị xã Bình Long), trạm Tham Rớt - Bình Long ở km 90+300...

LÊ THANH - HÀ MI

Hầm chưa xong đã thu phí

Theo HỮU KHÁ

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên