MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ Công thương: 'Không cần kiểm toán giá xăng dầu'

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, không cần kiểm toán giá xăng dầu vì thực tế 'chẳng ai kiểm toán một mặt hàng'.

Tại buổi công bố kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo khẳng định, từ quý 4, giá xăng dầu sẽ vận hành theo cơ chế thị trường. Cụ thể, lợi nhuận định mức của mỗi lít xăng dầu sẽ là 300 đồng.

Trước thắc mắc của nhà đầu tư về lợi nhuận của khối xăng dầu quá thấp, chỉ đạt 81 tỷ đồng so với lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng, ông Bảo lý giải, lợi nhuận năm 2010 không phải do kinh doanh xăng dầu mang lại. "Petrolimex thực hiện nhiệm vụ điều tiết, bình ổn giá nên bị lỗ tới 564 tỷ đồng và công ty đã phải lấy kinh doanh mặt hàng khác bù vào", ông Bảo khẳng định.

Theo ông Bảo, Nghị quyết 11 nêu rõ, Thủ tướng đã khẳng định điện, than, xăng dầu sẽ chuyển sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, do xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến an ninh năng lượng, Nhà nước sẽ không thả nổi thị trường xăng dầu mà vẫn can thiệp khi cần thiết. Ông Bảo cho hay, giá xăng dầu đang dần được thực hiện theo Nghị định 84, nên kinh doanh xăng dầu bắt đầu có lãi.

Ông Bảo cho biết, Petrolimex minh bạch trong quá trình cấu thành giá và giá bán ra, do đó, việc kiểm toán giá xăng dầu là cần thiết. Năm nào Petrolimex cũng mời kiểm toán độc lập từ công ty mẹ tới công ty con trong tất cả các lĩnh vực. "Giá xăng dầu được Petrolimex xác định theo Nghị định 84, do đó, ai muốn kiểm toán thì có thể tiến hành", ông Bảo khẳng định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, cho rằng, bản thân từ kiểm toán giá xăng dầu là một khái niệm không rõ ràng. Bởi thực tế, theo ông Tú, chẳng ai đặt vấn đề kiểm toán một mặt hàng. Giá xăng dầu hiện nay hoàn toàn minh bạch, tính toán theo công thức. "Cấu thành giá thế nào thì chỉ cần giở tờ Bản tin thị trường là biết giá nhập khẩu bao nhiêu, thuế bao nhiêu, trích quỹ bình ổn bao nhiêu. Đây là chúng ta không hiểu hoặc không tìm hiểu nên mới đặt vấn đề như vậy”, ông Tú cho hay.

Theo ông Tú, hiện Nhà nước đang từng bước đưa xăng dầu theo cơ chế thị trường, đặc biệt là quản lý giá nhưng không thả nổi. Kinh doanh xăng dầu sẽ thực sự vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; bảo đảm hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước ổn định nguồn thu, người tiêu dùng được mua với mức giá hợp lý, doanh nghiệp kinh doanh có tích lũy cho đầu tư phát triển.

Nghị định 84 không phải giao toàn quyền cho doanh nghiệp định giá mà giá xăng dầu sẽ được chia thành 3 bước. Nếu giá nguyên liệu đầu vào thay đổi 0-7% thì doanh nghiệp được quyền quyết định giá xăng dầu. Nếu nguyên liệu biến đổi 7-12% thì Nhà nước sẽ tham gia một phần trong việc điều chỉnh giá. Nếu nguyên liệu tăng trên 12% thì Nhà nước tham gia định đoạt giá xăng dầu. Ngoài ra, Nghị định 84 quy định, trong hoàn cảnh đặc biệt như xăng dầu biến động làm ảnh hưởng đến toàn xã hội thì Nhà nước sẽ toàn quyền quyết định việc điều chỉnh giá xăng dầu để bình ổn kinh tế.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, do xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, trước mắt nhà đầu tư nước ngoài sẽ chưa được mua cổ phần. "Khi thị trường xăng dầu ổn định hơn, sẽ mở cửa cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia", ông Tú khẳng định.

Ông Tú cho hay, trong 30 ngày qua, giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm là điều bình thường. Bởi thực tế, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Nhà nước đã đưa thuế về 0%, thôi trích quỹ bình ổn. Dẫn lời Bộ trưởng Tài chính, ông Tú nhấn mạnh: "Nhà nước đã phải hy sinh khi giá xăng dầu lên, vậy khi giá giảm thì xăng dầu phải trả lại sự hy sinh cho Nhà nước".

Theo Hoàng Lan
Vnexpress
 

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên