MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuế tài sản đánh vào người giàu có

“Nguồn thu từ đất đai còn rất lớn, cần phải xây dựng Luật Thuế tài sản để điều tiết nguồn thu này”, TS. Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng đề xuất.


Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu khai thác tốt nguồn lực tài chính từ đất đai, Nhà nước có thể thu được 5 tỷ USD/năm. đánh giá của ông về con số này?

Cách đây hơn chục năm, trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng về việc khai thác nguồn lực từ đất đai để phát triển đô thị, một giáo sư Trường đại học Harvard (Hoa Kỳ) tính toán, nguồn lực từ đất đai của Việt Nam lên tới 5.000 tỷ USD. Nếu mỗi năm, ngân sách chỉ thu về 5 - 10 tỷ USD, thì phải mất 500 - 1.000 năm mới khai thác hết nguồn lực tài chính.

Để khai thác nguồn lực từ đất đai, cần phải có nhiều giải pháp như khai thác quỹ đất hai bên đường, khai thác các dịch vụ dọc tuyến đường bộ, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, tính giá cho thuê đất sát với giá thị trường… và nên ban hành Luật Thuế tài sản.

Nhưng Việt Nam đã có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp rồi, thưa ông?

Hai sắc thuế này khác nhau, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đánh vào đất đai, còn thuế tài sản đánh vào tài sản trên đất. Ở nhiều nước, hai sắc thuế này ghép lại làm một, còn tại Việt Nam, ban đầu, Bộ Tài chính cũng dự kiến xây dựng một sắc thuế chung gọi là thuế nhà đất, nhưng không được Quốc hội chấp thuận, nên phải xây dựng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Vì thế, bên cạnh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, có thể ban hành thuế tài sản.

Quan điểm này khó nhận được sự đồng thuận của xã hội, vì người ta cho rằng, khi xây nhà, người dân đã phải đóng các loại thuế, phí, nên thu thuế tài sản dẫn tới tình trạng thuế chồng lên thuế?

Nhiều nước trên thế giới ban hành thuế tài sản để đánh vào nhà đất của người dân từ khá lâu. Nguồn thu từ thuế tài sản rất ổn định và thường chiếm 30% tổng nguồn thu của đô thị, có nơi nguồn thu này chiếm tới 70-80%. Mỗi sắc thuế đánh vào một đối tượng, nên thuế không chồng lên thuế.

Ý nghĩa của sắc thuế này là, người nộp thuế phải có nghĩa vụ chi trả cho việc quản lý vận hành hệ thống hạ tầng và nhiều dịch vụ công cộng khác mà chính quyền không thu phí, như hè đường, cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng…

Một số quan điểm cho rằng, thuế tài sản sẽ tạo áp lực đối với người có thu nhập thấp?

Mỗi khi điều chỉnh giá điện, giá nước sinh hoạt, nhiều người cho rằng, Nhà nước “đánh” vào thu nhập của người nghèo. Đây là quan điểm ngụy biện. Tương tự, cũng là quan điểm ngụy biện nếu cho rằng, việc đánh thuế tài sản là đánh vào người nghèo.

Trên thực tế, việc tăng giá điện, giá nước sát giá thị trường hay đánh thuế tài sản chủ yếu đánh vào người có thu nhập cao, sử dụng nhiều điện, nước và có tài sản có giá trị lớn. Nhà nước đánh thuế tài sản hay tăng giá điện, giá nước mới có tiền để lo cho người nghèo, lo cho người có thu nhập thấp và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác.

Những quan điểm phản đối thuế tài sản cho rằng, tài sản là do họ tích cóp qua quá trình lao động hoặc được thừa kế mà phải đóng thuế là vô lý, thưa ông?

Cùng là ngôi biệt thự, nếu ở vùng sâu, vùng xa, ở những nơi mà cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, không đồng bộ thì có giá rất rẻ, chỉ 2-3 triệu đồng/m2. Ngược lại, ngôi biệt thự ở đô thị lớn hoặc ở trung tâm thành phố lớn thì có giá rất cao, có khi lên tới 700-800 triệu đồng/m2.

Vì sao lại có sự chênh lệch về giá quá lớn như vậy? Vì biệt thự ở đô thị, ở trung tâm thành phố lớn được Nhà nước lấy tiền thuế của người dân để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học, điện, nước và các tiện ích khác.

Có thể hiểu, Nhà nước không thu thuế đối với ngôi biệt thự của người dân, mà trên thực tế, chỉ thu lại phần Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng nơi ngôi biệt thự ấy xây dựng. Thuế tài sản đánh vào giá trị tài sản, vì vậy, chỉ những người giàu có, sử dụng tài sản có giá trị cao mới phải nộp thuế, còn người nghèo, người có thu nhập thấp không phải nộp thuế, hoặc nộp với mức rất thấp.
Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu Tư

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên