MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thường vụ Quốc hội 'chê' mức giảm thuế cá nhân ít

Đại bộ phận người làm công ăn lương, lao động nghèo hiện không nằm trong điện đóng thuế thu nhập cá nhân.

Đồng tình với bản đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân do Chính phủ đề xuất, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng số thuế được miễn quá ít, chỉ mang tính động viên chứ không giúp người làm công ăn lương vượt khó.

Sau thời gian dài xây dựng và lấy ý kiến, phương án miễn giảm giảm thuế thu nhập cá nhân được Chính phủ đưa ra lấy ý kiến các đại biểu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/7.

Theo đó, Chính phủ đề nghị miễn thuế đối với các khoản thu nhập từ cổ tức, từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân từ 1/8 đến hết năm 2012 nhằm kích thích thị trường phát triển.

Đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương, Chính phủ cũng đề nghị miễn thu thuế trong 5 tháng, bắt đầu từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/12/2011. Trong đó, các trường hợp thuộc diện được miễn thuế gồm cá nhân không có người phụ thuộc thu nhập từ trên 4 triệu đồng đến 9 triệu đồng một tháng; cá nhân có một người phụ thuộc có thu nhập từ trên 5,6 triệu đồng đến 10,6 triệu đồng một tháng và cá nhân có 2 người phụ thuộc thu nhập từ trên 7,2 triệu đồng đến 12,2 triệu đồng một tháng.

Ngoài thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ cũng đề nghị giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, giảm 50% thuế VAT, thu nhập cá nhân và doanh nghiệp đối với các hộ kinh doanh nhà trọ cho học sinh, sinh viên, công nhân lao đồng và các điểm trông giữ trẻ, kinh doanh suất ăn... với một số điều kiện nhất định.

Với mức miễn giảm này, ngân sách Nhà nước dự kiến giảm thu khoảng 13.300 tỷ đồng.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết đa số các ý kiến trong ủy ban đều đồng tình với phương án miễn giảm thuế do Chính phủ trình. Tuy nhiên, mức miễn thuế áp dụng với các khoản thu nhập nằm trong bậc 1 của biểu thuế (dưới 10 triệu đồng) là quá thấp chỉ mang tính tượng trưng.

"Cách này miễn thuế chỉ mang tính động viên, chưa đảm bảo tính công bằng và không giúp họ vượt qua khó khăn", ông Hiển nói.

Theo ông, đại bộ phận người làm công ăn lương, lao động nghèo hiện không nằm trong điện đóng thuế thu nhập cá nhân.

Trong báo cáo thẩm tra của mình, Ủy ban Tài chính Ngân sách dẫn chứng, số người thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân trong khu vực hành chính sự nghiệp hiện là 172.288 người. Trong khi, số người thuộc khu vực kinh doanh là 678.860 người, tính đến thời điểm 31/12/2010. Và nếu so với dân số Việt Nam, gần 86 triệu người thì tỷ lệ người nộp thuế là không nhiều.

Ông Hiển cho biết đối với việc miễn thuế thu nhập đối với cổ tức, chuyển nhượng chứng khoán, nhiều ý kiến trong ủy ban cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại. Bởi chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. "Đã là kinh doanh thì nguyên tắc khi có lợi nhuận phải nộp thuế. Do đó, việc miễn toàn bộ thuế là chưa công bằng với các lĩnh vực kinh doanh khác", báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Quốc hội - Hà Văn Hiền bày tỏ sự lo lắng khi cho rằng các chính sách miễn giảm thuế nếu không quản lý chặt rất dễ bị lợi dụng, giống như từng xảy ra với các gói kích cầu kinh tế. "Chính sách nào cũng có hai mặt do vậy, tôi đề nghị Chính phủ tăng cường các hoạt đồng giám sát để việc hỗ trợ thuế đến đúng đối tượng cần", ông Hiền nói.

Cho rằng băn khoăn của đại biểu là có cơ sở, theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, nếu phương án miễn giảm thuế được thông qua, các đơn vị chức năng sẽ áp dụng các biện pháp đồng bộ để hạn chế tiêu cực. Còn Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thì đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu kỹ, đóng góp ý kiến, hoàn thiện phương án thuế để Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.

Theo Hồng Anh

Vnexpress

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên