MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuỷ điện Sông Tranh 2: Quốc hội yêu cầu làm rõ năm vấn đề

Với kết luận thuỷ điện Sông Tranh 2 chưa thể tích nước, uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã chỉ ra năm vấn đề cần làm rõ và không ít việc cần làm ngay với công trình này.

Báo cáo giám sát kết quả khắc phục hiện tượng thấm nước và đánh giá an toàn của công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 vừa được gửi đến các vị đại biểu quốc hội, chỉ ít ngày sau phiên điều trần chứng kiến sự tranh luận nảy lửa vẫn không thể ngã ngũ của các bên liên quan cùng các nhà khoa học do uỷ ban tổ chức vào sáng 20.10 vừa qua.

Tại đây, lãnh đạo các bộ, ngành khẳng định mọi diễn biến vẫn trong giới hạn an toàn và được kiểm soát. Song đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam và nhiều chuyên gia độc lập đều e ngại tính xác thực của thông tin, nhất là nguy cơ động đất đang đe doạ tính mạng người dân. Quốc hội phải làm rõ trách nhiệm trong sự cố này cũng là đề nghị ở một số ý kiến.

Năm vấn đề còn ý kiến khác nhau

Cơ quan giám sát cho rằng cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, thảo luận để làm rõ một số nội dung đáng lưu ý còn có ý kiến rất khác nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học.

Thứ nhất, kết quả chống thấm được xử lý khi cao trình hồ chứa ở mực nước chết (141m). Tuy nhiên, cao trình ngưỡng tràn của đập là 161m. Do đập không có cửa xả đáy, khi nước thượng lưu đổ về, mực nước hồ chứa có thể đạt độ cao 161m; khi tích nước đạt mực nước dâng bình thường theo thiết kế là 175m. Vì vậy, chưa rõ khả năng chống thấm của đập trong những tình huống này. Hơn nữa, việc cam kết, bảo hành cũng như tuổi thọ phương án chống thấm này chưa thấy báo cáo đề cập đến.

Hai là, công trình được xây dựng tại khu vực địa hình có hoạt động kiến tạo, các đứt gãy phức tạp đang hoạt động. Thiết bị quan trắc và số liệu thu thập được còn hạn chế. Như vậy, ngoài nguyên nhân được cho là do tích nước hồ chứa gây hiệu ứng kích thích, hiện tượng động đất ở khu vực công trình này còn có thể có mối liên hệ với các đứt gãy đang hoạt động, làm khuếch tán nước và tăng cường các trận động đất kích thích.

Nếu các trận động đất liên tục xảy ra, có cường độ lớn, tâm chấn nông, trong lòng hồ hoặc sát chân đập thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến an toàn đập.

Thứ ba, Báo cáo đánh giá tác động môi trường còn có một số nội dung có thể gây hiểu lầm và dẫn đến những hạn chế trong thiết kế và thi công công trình. Ngoài ra, một số nội dung cơ bản của kết quả khảo sát địa chất công trình cũng chưa được thể hiện tại đây.

Vấn đề thứ tư, hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước các công trình xây dựng, tư vấn độc lập nước ngoài và các cơ quan chức năng đã đưa ra đánh giá kết luận là công trình đập thuỷ điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn có thể tích nước để phát điện. Tuy nhiên, cần giải thích rõ nguyên nhân chưa cho tích nước đến mực nước dâng bình thường theo thiết kế.

Các cơ quan quản lý nhà nước chưa khẳng định được mức độ an toàn của đập khi có động đất cấp cao hơn và lũ đột biến tác động tới công trình là vấn đề thứ năm uỷ ban yêu cầu làm rõ.

Chưa dám khẳng định an toàn

Nhấn mạnh quan điểm “bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân khu vực hạ du đập thuỷ điện”, uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội có văn bản yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan chưa tích nước hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện tác động của lũ, động đất đến công trình.

Các việc khác được yêu cầu sớm thực hiện là xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt, trong đó cần thiết lập mạng lưới cảnh báo cho người dân, đo vẽ bản đồ theo giả định vỡ đập, đánh dấu các khu vực có cao trình an toàn; tổ chức ứng phó động đất, diễn tập sơ tán có tính đến tình huống vỡ đập nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.

Điều chỉnh quy trình điều tiết hồ chứa và lưu vực, phòng chống lũ của khu vực. Tập trung mọi giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối đập thuỷ điện Sông Tranh 2 bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng dự án.

Khẩn trương đưa toàn bộ các thiết bị quan trắc vào hoạt động, lắp đặt bổ sung, vận hành các thiết bị mới để theo dõi nghiêm ngặt khả năng làm việc, các diễn biến ở khu vực công trình đặc biệt là mức độ ảnh hưởng của việc tích nước hồ chứa đối với hiện tượng động đất với tần suất và cường độ lớn như thời gian qua, quy luật biểu hiện động đất, các điều kiện địa chất kiến tạo khu vực công trình, đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố này tới sự ổn định của đập, làm cơ sở cho việc vận hành an toàn công trình.

Kiểm đếm, hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho nhà dân do động đất, đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khu vực. Khẩn trương giải quyết những vấn đề tồn tại trong việc di dân tái định cư khu vực lòng hồ, đảm bảo đúng quy định.

Cơ quan giám sát cũng cho rằng cần giao bộ Công thương, phối hợp với bộ Khoa học và công nghệ, các cơ quan hữu quan tổ chức các hội thảo khoa học, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp đầy đủ thông tin, làm việc với các nhà khoa học để làm rõ các vấn đề, còn có ý kiến khác nhau về nguyên nhân và ảnh hưởng của động đất đối với an toàn đập.

Được dự báo sẽ là một trong các vấn đề nóng tại các phiên thảo luận và chất vấn tại diễn đàn của kỳ họp Quốc hội thứ tư, an toàn thuỷ điện Sông Tranh không chỉ nằm trong mối quan tâm đặc biệt của các vị đại biểu Quảng Nam.

Mới đây, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, thứ trưởng bộ Khoa học và công nghệ Nghiêm Vũ Khải cho rằng, không thể xem thường sự cố xảy ra ở đây, đừng để sự cố nghiêm trọng hơn, lúc đó đổ lỗi cho ai thì cũng đã muộn. “Tôi tin rằng các cơ quan Quốc hội sẽ có động thái phù hợp để thể hiện trách nhiệm với nhân dân”, ông Khải nói.

Theo Hà Giang

SGTT


cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên