MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiềm năng thu hút đầu tư FDI vào dịch vụ môi trường

Tại hội thảo “Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường tại Việt Nam do EU-Mutrap phối hợp với Viện chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại TP.HCM ngày 16-10, các chuyên gia cho biết, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường ngày càng gia tăng.

Theo ông Lại Văn Mạnh, chuyên gia trong nước của EU-Mutrap, đầu tư FDI trong lĩnh vực hàng hóa môi trường có xu hướng tăng mạnh. Theo kết quả khảo sát thực hiện năm 2014, nếu như 2011 nguồn vốn đầu tư vào các dự án nước thải và chất thải rắn mới chỉ đạt khoảng 710 triệu USD thì đến năm 2013 đã đạt mức 1.285 triệu USD.

Số DN FDI tham gia vào lĩnh vực này cũng tăng từ 5 doanh nghiệp (năm 2005) lên 37 doanh nghiệp vào năm 2012. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, kết quả kinh doanh của các DN FDI trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường tương đối khả quan. Các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam ngày càng nhận ra những lợi ích tiềm năng của việc đầu tư vào trong các lĩnh vực hàng hóa dịch vụ môi trường tại Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp đã tạo ra áp lực và hệ quả về môi trường ngày càng cao. Trong đó, lĩnh vực xử lí chất thải nước được tập trung nhiều nhất.

“Dự báo nhu cầu về vốn cho bảo vệ môi trường của Việt Nam năm sau luôn tăng hơn năm trước. Dự kiến đến năm 2020 mức vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam sẽ ở mức khoảng trên 40.000 tỉ đồng”, ông Mạnh cho biết.

Theo nhận định của các chuyên gia, môi trường pháp lý của Việt Nam và đầu tư trong các lĩnh vực hàng hóa dịch vụ môi trường đang có nhiều thuận lợi. Đầu tư vào hàng hóa dịch vụ môi trường thực sự được khuyến khích với các chính sách miễn, giảm đáng kể thuế nhập khẩu và phí sử dụng đất.

Lợi ích của các nhà đầu tư sẽ gia tăng nếu có các khoản đầu tư liên quan đến chuyển giao công nghệ mới đặc biệt là công nghệ cao. Đồng thời các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi ích tối đa nếu thực hiện các dự án đầu tư tại các địa bàn được khuyến khích đầu tư. Ngoài ra đầu từ vào ngành hàng hóa và dịch vụ môi trường cũng sẽ được hưởng lợi từ việc bảo hộ sở hữu trí tuệ liên quan đến các công nghệ được chuyển giao.

Đánh giá cao các chính sách ưu đãi đối với việc đầu tư vào lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, tuy nhiên phần lớn các DN FDI cho rằng vẫn còn một số rào cản trong các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó sự thiếu minh bạch của pháp luật cũng như rào cản nguôn ngữ đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các DN.

Bên cạnh đó, chính sách miễn thuế DN thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, thủ tục hành chính còn phức tạp và tốn thời gian cũng gây không ít khó khăn cho các DN.

Từ những khó khăn nêu trên, các DN kiến nghị, các quy định pháp luật và tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động đầu tư về hàng hóa và dịch vụ môi trường cũng phải được công bố công khai và dễ thực hiện. Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất về thủ tục cấp phép và các quy định về môi trường trong cả nước. Đồng thời, việc áp dụng hệ thống kiểm tra, kiểm soát giống nhau giữa các DN FDI và DN trong nước cùng hoạt động trong lĩnh vực này...

Theo Nguyễn Huế

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên