MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp dân chỉ để lắng nghe thì dân không cần

Khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực, các kiến nghị, khiếu nại,tố cáo có được giải quyết vừa lòng dân hay không là điều Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quan tâm khi cho ý kiến vào dự án Luật này sáng nay.

Có luật, tiếp dân có hiệu quả hơn không?

Theo đánh giá của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, công tác tiếp công dân hiện còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Một trong số đó là việc tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp công dân hoặc cơ quan chức năng. Có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định vẫn còn xảy ra.

Dự thảo Luật Tiếp công dân gồm 10 chương với 71 điều được xây dựng với mục tiêu góp phần giải quyết những vướng mắc hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng , cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Pháp luật) không thể khẳng định là sau khi có luật này, công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có chuyển biến, đạt kết quả cao hơn không?

“Đọc dự thảo luật và báo cáo thẩm tra chưa thấy rõ chỗ này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Tiếp dân để ghi nhận hay giải quyết?

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phân biệt rõ giữa “tiếp công dân để giải quyết” với “tiếp công dân để giám sát chứ không phải để giải quyết”. “Tôi thấy Dự thảo Luật gần như nhào thành một cục”, ông nhận xét.

Việc cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Tiếp công dân muốn đưa vào trách nhiệm của cơ quan dân cử giống như cơ quan hành pháp không nhận được sự tán thành của Chủ tịch Quốc hội.

Ông cho rằng, tư pháp, hành pháp tiếp công dân là để giải quyết. Còn Quốc hội, Hội động nhân dân, đại biểu dân cử tập hợp nguyện vọng, kiến nghị, khiếu nại... của dân để giám sát, chất vấn, sửa luật chứ không phải đi giải quyết.

“Không cẩn thận mỗi Ủy ban lập ra một cơ quan tiếp công dân, công dân đến các đồng chí có giải quyết không, có xử lại không, có quyết lại không? Cấp đất sai các đồng chí có quyết cấp lại không. Xử lý kỷ luật sai của cơ quan A, cơ quan B người ta đưa lên các đồng chí có quyết định lại xử lý tha không hay kỷ luật nặng hơn không?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Điều 5 của dự thảo Luật quy định mục đích của tiếp công dân là tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện băn khoăn: “Nếu chỉ lắng nghe sau đó nhận đơn khiếu nại, tố cáo là xong thì dân không cần”.

“Chúng tôi nghĩ đến giai đoạn hiện nay muốn xây dựng Luật Tiếp công dân thì hãy nghĩ lại việc đó, đó là trách nhiệm của công dân. Còn trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan tổ chức đã được quy định trong luật tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan mà mức độ tiếp dân trực tiếp hoặc gián tiếp đến đâu đã có rồi”, ông Hiện bày tỏ ý kiến.

Chốt lại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói rằng, Luật này chỉ giải quyết việc công dân đến thì mình đón tiếp, ghi nhận những nội dung công dân trình bày, chốt lại phiên làm việc. Còn vấn đề người dân yêu cầu giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, trình bày tâm tư nguyện vọng thì có những văn bản khác, luật khác quy định, không thuộc phạm vi lần này.

Tường Vy

cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên