MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp tục cải cách thị trường nhân tố sản xuất

Bài học lớn nhất 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam, theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), là nhìn rõ được “chân” của mình.

Đúng ngày hôm nay (11/1/2012), đánh dấu tròn 5 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. 5 năm đó, theo ông, nền kinh tế Việt Nam đã nhận được những gì?

Quá trình đổi mới của kinh tế Việt Nam bản chất là chuyển cách thức phân bổ nguồn lực, ngày càng dựa vào kinh tế thị trường, gắn với đó là mở cửa nền kinh tế. Những thành tựu mà kinh tế Việt Nam hôm nay đạt đuợc cũng không tách rời tiến trình này. Gia nhập WTO cũng vậy.

Chúng ta kỳ vọng nguồn lực sẽ được phân bổ hiệu quả hơn qua việc tiếp cận thị trường, cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để từ đó tạo sự lan toả về công nghệ, kỹ năng quản trị, quản lý, kỹ năng lao động…; rằng áp lực từ việc gia nhập WTO sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, để chúng ta hiểu thêm về cơ chế vận hành của phân bổ nguồn lực hiệu quả để có cách ứng xử phù hợp, có những thay đổi luật lệ phù hợp với nền kinh tế mở, phù hợp với quốc tế.

Tất nhiên, đây là quá trình không suôn sẻ, vì sẽ có người thua, kẻ được, có những người, doanh nghiệp bị loại ra bên lề thị trường vì không theo kịp sức ép cạnh tranh…

Điều này không mới, vì ngay từ khi gia nhập WTO, chúng ta đã nhận ra những thách thức và lợi thế này?

Nhưng chúng ta đã hiểu thêm là, bên cạnh mở cửa thì ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố sống còn với nền kinh tế.

Khi bước chân vào WTO, chúng ta đã lường là hội nhập có thể gây ra những bất ổn kinh tế vĩ mô, ví như độ nhạy với các cú sốc giá sẽ lớn hơn khi nền kinh tế mở hơn; mở cửa khu vực tài chính nếu không khéo có thể chao đảo, bất ổn khi dòng vốn từ bên ngoài ồ ạt rút ra, nhất trong trong bối cảnh năng lực điều hành, làm chính sách và giám sát tài chính không tốt.

Đáng tiếc là sự dồi dào của nguồn vốn thế giới khi đó, sự sôi động, hào hứng trong nước đã tạo nên những ảo tưởng phát triển. Cuối năm 2007, đầu năm 2008, tôi đã có bài viết “Tiềm năng bật dậy hay là sự bùng phát nhất thời”, khi nhìn thấy sự bùng nổ của thị trường tài chính và khả năng giám sát không theo kịp.

Sự ảo tưởng này tạo ra chính sách tiếp cận đồng tiền dễ dãi, đầu tư dễ dãi, đổ xô vào dịch vụ, đặc biệt là ngân hàng, bất động sản rồi cả tài nguyên khoáng sản, trong khi các vấn đề nền tảng như nhân lực, kết cấu hạ tầng… không được chú ý đúng mức.

Hậu quả là, có vẻ như chúng ta hạ thấp vai trò khu vực công nghiệp chế biến, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế và cần phát triển, không chú trọng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)… Đó là chưa kể tới sự tăng lên của khoảng doãng thu nhập trong khi sự chuẩn bị về bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ, hình thành những nhóm lợi ích muốn đi tìm siêu lợi nhuận với nghĩa xấu… đã góp phần tạo nên những bất ổn kinh tế, khiến hiện tại chúng ta đang loay hoay xử lý.

Đây có phải là nguyên do của sự chậm trễ trong hoàn thiện các thị trường nhân tố sản xuất, thưa ông?

Chúng ta vẫn đang làm, nhưng thực tế đòi hỏi phải mạnh hơn. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, cải cách thị trường nhân tố sản xuất này khó khăn hơn tự do hoá thị trường hàng hoá, dịch vụ vì liên quan đến khá nhiều vấn đề nhạy cảm, nhất là hệ ý thức của chúng ta, đụng chạm không chỉ vấn đề kinh tế, mà cả xã hội, đến nhóm lợi ích mà thời gian vừa qua đã nổi lên qua sự bùng nổ của thị trường vốn, thị trường hàng hoá là bất động sản…

Hơn thế, cách tiếp cận của Việt Nam là cải cách kinh tế truớc, duy trì ổn định chính trị, nên việc cách cải các thị trường nhân tố sản xuất, các yếu tố liên quan đến tổng thể thể chế có chút dè dặt, thận trọng hơn.

Có thể nói, 5 năm gia nhập WTO, bài học quan trọng nhất là chúng ta nhìn thấy rõ “chân” của mình?

Đúng vậy, và nhận ra được những rủi ro kinh tế vĩ mô còn cao, nền tảng của nền kinh tế vận hành theo thị trường không chỉ hàng hoá dịch vụ, mà cả những thị trường đầu vào cho sản xuất là những thị trường nhân tố sản xuất như nguồn nhân lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng…

Chúng ta sẽ phải cải cách. Mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế với 3 ưu tiên sẽ bắt đầu tư cho những thay đổi quan trọng của phân bổ nguồn lực hiệu quả, tiền đề của thay đổi mô hình tăng trưởng, cách thức phát triển…

Theo Khánh An

Báo Đầu Tư

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên