MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm giải pháp căn cơ để tái cơ cấu kinh tế

Ngày mai (19/4), Đề án Tái cơ cấu kinh tế chính thức được đệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, vẫn còn có những “khoảng trống” cần lấp đầy trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

“Mong muốn trước tiên của chúng tôi khi trình đề án này, là tìm được sự đồng thuận chung, sau đó tiếp tục thảo luận, tìm ra những giải pháp căn cơ nhất để thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Hiện tại, Đề án mới chỉ đặt ra định hướng chung, các giải pháp làm tiền đề cho tái cơ cấu kinh tế, còn các biện pháp căn cơ thì vẫn chưa động tới được”, Thứ trưởng Cao Viết Sinh nói và cho biết, đây là một Đề án khó, phức tạp, bởi không thể tái cơ cấu kinh tế trong ngày một, ngày hai, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro.

Thực tế, dù đã qua rất nhiều lần thảo luận, song theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những người chắp bút cho Đề án, ngay cả khái niệm thế nào là tái cơ cấu kinh tế cũng chưa hẳn tìm được sự thống nhất cao độ.

Tuy vậy, ông Cung cho biết, với Đề án này, tái cơ cấu kinh tế được hiểu là quá trình phân bố lại các nguồn lực trên phạm vi quốc gia và toàn bộ nền kinh tế, để từng bước và liên tục nâng cao hiệu quả chung của toàn nền kinh tế.

“Kết quả của tái cơ cấu kinh tế là hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn”, ông Cung nói.

Xác định tái cơ cấu kinh tế bao gồm các bộ phận hợp thành, như tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời, phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh..., song theo ông Nguyễn Đình Cung, tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ phù hợp với các vùng, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ là trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế.

“Tái cơ cấu ngành kinh tế và vùng kinh tế là nhân tố chính, vừa trực tiếp cải thiện hiệu quả phân bố của nền kinh tế, vừa thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế năng động và linh hoạt hơn, có năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển cao hơn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nhiều lần nhắc tới điều này, phải làm sao tái cơ cấu các ngành sản xuất phù hợp với từng vùng”, ông Cung cho biết.

Theo Đề án, sẽ có hai loại ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển. Thứ nhất, là các ngành, sản phẩm hiện đang có lợi thế cạnh tranh. Thứ hai, là các ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển để xây dựng, bổ sung và nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, sản xuất và chế biến lúa gạo, cà phê, chế biến thủy, hải sản, thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, may mặc, giày da, máy tính, hàng điện tử, đóng tàu, dịch vụ thương mại… được lựa chọn là các ngành, sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh.

Trong khi đó, với các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển để tăng cường, củng cố và phát triển năng lực cạnh tranh của nền kinh tế những năm tiếp theo, Đề án đề xuất các lĩnh vực: luyện kim; hóa dầu; đóng tàu và các phương tiện vận tải khác; điện tử; dịch vụ logistics; du lịch…

“Chúng ta sẽ phát triển các ngành này thành các ngành có lợi thế cạnh tranh cho giai đoạn tiếp theo, bổ sung cho các ngành có lợi thế cạnh tranh hiện tại; đồng thời thay thế dần một số ngành thâm dụng nhiều lao động hiện nay”, ông Cung đề xuất và cho biết, để tái cơ cấu kinh tế, Đề án đã kiến nghị 12 nhóm giải pháp cụ thể, tựu trung lại bao gồm các nhóm giải pháp tạo tiền đề cho tái cơ cấu, như ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp với tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng…; hoàn thiện môi trường kinh doanh; nhóm giải pháp hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào những ngành muốn ưu tiên phát triển; nhóm giải pháp nâng đỡ đầu tư...

Đề án xác định là vậy, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, điều quan trọng là phải làm sao xác định được các tiêu chí để loại bỏ hay khuyến khích phát triển một ngành, hay sản phẩm, doanh nghiệp nào đó.

“Phải có tiêu chí cụ thể, bởi nếu không, như hiện nay, dù ai cũng thấy là phải tái cơ cấu song dường như ai cũng đang đứng ngoài cuộc, vì nó chưa động chạm đến mình, chưa thấy đau, chưa thấy bị ‘ghè’ vào chân, vào tay. Nếu chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể như vậy tức là chưa tìm thấy những yếu tố căn cơ nhất để tái cơ cấu kinh tế”, Thứ trưởng Sinh nói và cũng bày tỏ mong muốn rằng, sẽ nhận được các ý kiến đóng góp để Đề án hoàn thiện hơn.

Theo Nguyên Đức

Baodautu


cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên