MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm lời giải cho bài toán giảm tổn thất điện năng

Nhiều công ty điện lực trên địa bàn Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) thực hiện chỉ tiêu tổn thất điện năng tăng so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước, tập trung ở khu vực lưới điện hạ áp.

Tổn thất điện năng là khâu quan trọng trong công tác quản lý kinh doanh của ngành điện. Do vậy, việc quyết liệt giảm chỉ tiêu tổn thất điện năng chính là khâu quyết định đến hiệu quả kinh doanh của các công ty điện lực, các tổng công ty phân phối cũng như của cả ngành điện.

Tăng do đâu?

Những tháng đầu năm nay, nhiều công ty điện lực trên địa bàn Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) thực hiện chỉ tiêu tổn thất điện năng tăng so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước, tập trung ở khu vực lưới điện hạ áp.

Cụ thể như ở Công ty Điện lực Hải Phòng, hết 6 tháng đầu năm, công ty đạt chỉ tiêu 6,5%, so với kế hoạch tăng 1,38% nhưng so với cùng kỳ giảm 0,13%. Lý giải về nguyên nhân tổn thất điện năng trên địa bàn thành phố Hải Phòng tăng, Phó Giám đốc Công ty Trần Ngọc Quỳnh cho biết do suy giảm kinh tế trong thời gian qua đã tác động tới một số khách hàng lớn sản xuất công nghiệp như Công ty Xi măng Hải Phòng, Công ty Thép Việt Ý, Công ty Thép Cửu Long, Công ty Thép POSCO... mua điện tại các trạm biến áp (TBA) 110kV, có cả trường hợp khách hàng phá sản ngừng sản xuất như gang thép Vạn Lợi. Sản lượng điện tiêu thụ của các khách hàng này giảm nhiều so với cùng kỳ đã gây tăng tỷ lệ tổn thất điện năng lưới điện 110 kV của công ty.

Bên cạnh đó, tiến độ cải tạo lưới điện từ 6-22 kV tại Điện lực Ngô Quyền bị chậm so với kế hoạch nên cũng ảnh hưởng tăng tỷ lệ tổn thất điện năng của toàn Công ty. Mặt khác, do tốc độ tăng trưởng thành phần phụ tải tiêu dùng dân cư (chiếm 34%) tăng 3% so với cùng kỳ (thành phần phụ tải này thường phải chịu tổn thất ít nhất ở ba cấp điện áp trở lên) khiến tổn thất điện năng của Công ty cũng bị tăng thêm. Chưa kể các yếu tố do sự cố cũng phần nào gây tăng tỷ lệ tổn thất điện năng. Ngay ở những HTX nông nghiệp bán lẻ điện trong khu vực nông thôn, một số doanh nghiệp tư nhân và nhu cầu người dân sử dụng điện thay gas tăng đang là những đối tượng của việc chống tổn thất điện năng ở Hải Phòng do đã xuất hiện hành vi ăn cắp điện.

Ngoài những nguyên nhân giống như Hải Phòng, do Thái Nguyên là tỉnh có khách hàng sản xuất công nghiệp chiếm 70% sản lượng toàn tỉnh và nhu cầu sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tiêu dùng tăng cao, đây còn là tỉnh có đặc thù mua điện từ nguồn Trung Quốc qua đường dây Thanh Thủy-Hà Giang có điện áp thấp và không ổn định nên cũng góp phần ảnh hưởng đến tổn thất điện năng. Thái Nguyên cũng là tỉnh có địa bàn xã rộng, dân thưa, chất lượng điện ở cuối nguồn kém nên tổn thất điện năng ở những xã này thường rất cao. Sáu tháng đầu năm, tổn thất điện năng ở tỉnh này đạt 6,73%, tăng 0,99% so với cùng kỳ.

Lời giải là quản lý và đầu tư


Để giải quyết bài toán giảm tổn thất điện năng, nhiều công ty điện lực đang áp dụng chặt chẽ quy trình quản lý và tích cực đầu tư chống quá tải cho hệ thống lưới điện nhằm rút ngắn bán kính cấp điện.

Công ty Điện lực Hải Phòng là một trong những điển hình. Việc thực hiện công xưởng hóa công tơ theo quy trình khép kín đã mang lại hiệu quả chống tổn thất thương mại và ngăn ngừa sự thông đồng giữa CBCNV quản lý Điện lực với khách hàng. Bên cạnh việc ghi chỉ số công tơ đúng phiên, đúng ngày quy định, công ty còn thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống đo đếm và chuyển đổi lắp đặt hệ thống đo đếm phù hợp với phụ tải sử dụng điện.

Công ty còn áp dụng chương trình PSS/ADEPT tính toán tổn thất điện năng kỹ thuật ở các trạm biến áp, đường dây đơn vị quản lý và đang triển khai khai thác tối đa các tiện ích trên chương trình CMIS, đặc biệt phân hệ quản lý tổn thất để theo dõi, tính toán tổn thất điện năng theo từng cấp điện áp, từng lộ đường dây, từng trạm biến áp. Từ đó khoanh vùng khu vực có tổn thất cao, xác định rõ nguyên nhân để kịp thời xử lý.

Sáu tháng đầu năm, trong tình hình khó khăn về vốn và lãi suất ngân hàng cao công ty còn đầu tư gần 300 tỷ đồng cho hệ thống lưới điện, đạt 83% kế hoạch năm để cấp điện an toàn, phục vụ dân sinh, với hy vọng các doanh nghiệp sau khi được Chính phủ hỗ trợ hồi phục sản xuất sẽ đủ công suất và sản lượng điện để hoạt động.

Điện lực Hải An có sản lượng điện đứng thứ 3 trong Công ty Điện lực Hải Phòng. Giám đốc Điện lực Vũ Duy Phương cho biết ngoài việc tổ chức phúc tra công tơ ngay sau khi ghi điện, thay công tơ do sự cố và kẹt cháy, các đội kiểm tra còn thường xuyên kiểm tra các trạm biến áp công cộng có tỷ lệ tổn thất điện năng cao để tìm ra nguyên nhân và có hướng khắc phục kịp thời.

Bên cạnh đó, Điện lực còn tăng cường kiểm tra khách hàng thực hiện hợp đồng mua bán điện, mục đích sử dụng điện, các điểm có nghi vấn lấy cắp điện. Qua đó, phát hiện hàng chục trường hợp khách hàng sử dụng hệ thống đo đếm chưa phù hợp với phụ tải để thay thế cho phù hợp. Đồng thời bọc kín gần 1000 điểm hở trên lưới điện hạ thế để đảm bảo an toàn cho công nhân khi làm việc tiếp xúc với điện và phòng ngừa khách hàng sử dụng điện có thể câu móc lấy trộm điện trực tiếp.

Mặt khác, để chống quá tải lưới điện, năm nay, Điện lực tiếp tục nâng cấp lưới điện bằng việc xây dựng 5 trạm biến áp thuộc 3 phường Cát Bi, Đông Hải 2 và Đằng Hải, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn với chất lượng đảm bảo đến năm 2014. Công tác nâng công suất các trạm biến áp và hoán đổi các máy biến áp giữa non tải và đầy tải, cân pha san tải cũng được tính đến, song song với việc lắp đặt thêm các bộ tụ bù hạ thế.

Do vậy, mặc dù quản lý 102 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 35,42 MVA, 75,7 km đường dây trung thế và 188,5 km đường dây hạ thế, bán điện cho 29.533 khách hàng nhưng hết 5 tháng đầu năm, tổn thất điện năng trên địa bàn Điện lực Hải An chỉ có 2,52%, trong khi kế hoạch giao là 2,75%./.

Theo Mai Phương
TTXVN

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên