MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tín hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế đã rõ hơn”

Đó là nhận định của TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2014 tại hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV năm 2014 và triển vọng kinh tế năm 2015”.

Tóm tắt:

- Tín hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2014 đã rõ hơn, song còn thấp xa so với mức trung bình giai đoạn 1990-2010.

- Thay đổi thể chế đã giúp làm giảm rào cản gia nhập thị trường và cải thiện hiệu lực bảo vệ quyền cổ đông, nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho hoạt động M&A và rút khỏi thị trường.

- Sửa chữa khiếm khuyết thị trường, nâng đỡ thị trường, thuận lợi hóa thị trường và duy trì trật tự, kỷ luật thị trường… là những việc cần làm trong thời gian tới.


Sáng nay (11/2/2015), tại Hà Nội, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã tổ chức hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV năm 2014 và triển vọng kinh tế năm 2015”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW nhận định, tín hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2014 đã rõ hơn, song còn thấp xa so với mức trung bình giai đoạn 1990-2010 và xu thế tăng trưởng chưa được phục hồi rõ nét.

Trong đó, phục hồi tăng trưởng chủ yếu chỉ diễn ra ở lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và nông lâm nghiệp – thủy sản; phục hồi tăng trưởng chậm lại ở lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ lưu trú và ăn uống.

So sánh với các nước trong khu vực, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình và thấp hơn các nước khác; chưa cải thiện được chất lượng tăng trưởng, trong khi yêu cầu tăng năng suất lao động không thể chần chừ.

Về lạm phát – giá cả, ông Nguyễn Đình Cung đánh giá, lạm phát thấp, ổn định năm 2014 là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. "Dường như không phải hi sinh lạm phát để đổi lấy tăng trưởng” - ông Cung nói.

Đánh giá về một số tác động của thay đổi thể chế 2014 đến môi trường kinh doanh Việt Nam, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp được mở rộng và được đảm bảo một cách chắc chắn hơn. Doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà luật pháp không cấm.

Thay đổi thể chế đã giúp làm giảm rào cản gia nhập thị trường và cải thiện hiệu lực bảo vệ quyền cổ đông, nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho hoạt động M&A và rút khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đề nghị cần thay đổi chính sách tín dụng và cách điều hành chính sách tín dụng. Điều hành tín dụng phải gắn liền với mục tiêu ổn định lãi suất trong trung và dài hạn dựa trên nền tảng ổn định lạm phát ở mức thấp để neo kỳ vọng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Về chính sách tài khóa, ông Cung cho rằng, không nên cố định thâm hụt NSNN ở mức 5% GDP mỗi năm, mà phải có giảm và cam kết trả nợ; tránh tư duy phải tiêu cho hết dự toán nhằm giảm áp lực nợ công và giảm phát hành trái phiếu Chính phủ.

“Chỉ khi thắt tài khóa, mở tiền tệ mới tạo đột phá trong phân bổ nguồn lực, làm cho thị trường đóng vai trò quan trọng hơn trong huy động và phân bổ nguồn vốn đầu tư. Trong đó điều kiện quan trọng là hệ thống ngân hàng phải tái cơ cấu nhanh để tăng hiệu quả truyền tải chính sách tiền tệ” – ông Nguyễn Đình Cung nhận định.

Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015, ông Cung nhấn mạnh, trước mắt cần tập trung và nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bên cạnh đó, cần đổi mới cách thức, công cụ và năng lực quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ; sửa chữa khiếm khuyết thị trường, nâng đỡ thị trường, thuận lợi hóa thị trường và duy trì trật tự, kỷ luật thị trường.

>>>Năm 2014, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng khả quan

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên