MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tin kinh tế 10/2: Sau 10 năm, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ còn... 1%

3 kịch bản cho sự phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước; Công nghiệp ô tô Việt vẫn còn nhiều cơ hội; Sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư tại đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong … cũng là những thông tin đáng chú ý trong ngày.

Sau 10 năm, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ còn... 1%

Trong những năm gần đây nguồn vốn được rót cho nông nghiệp không những ít, mà phân bố cũng không đều: Tập trung nhiều vào một số ngành chăn nuôi, chế biến thức ăn, trồng rừng, chế biến lâm sản. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản rất ít.

Nếu như năm 2001, vốn FDI vào nông nghiệp chiếm 8% tổng vốn FDI cả nước, thì 10 năm sau, con số này chỉ còn 1%, với khoảng 500 dự án còn hiệu lực.

Công nghiệp ôtô Việt: “Cơ hội vẫn luôn còn”

Theo ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công Việt Nam, năm 2014 vừa kết thúc với mức tăng trưởng tốt cho toàn thị trường ô tô VN. Theo lộ trình gia nhập AFTA (mậu dịch tự do khu vực Asean), thuế nhập khẩu xe từ khu vực về Việt Nam sẽ về 0% năm 2018. Đó thực sự là một thời điểm thách thức với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bên cạnh những khó khăn thì cũng phải kể đến những thuận lợi. Nếu có định hướng tốt, phát triển lâu dài, các doanh nghiệp trong nước dễ dàng nhận được sự ủng hộ hơn từ phía chính quyền địa phương cũng như chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước. Ở bất cứ thời điểm nào, nếu hội tụ đủ điều kiện cần và đủ, cơ hội vẫn luôn còn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Hà Nội siết chặt quản lý giá cước vận tải

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có thông báo gửi tới các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô, đề nghị điều chỉnh giảm giá cước vận tải trước ngày 10/2 và không cho phép phụ thu, kể cả đơn vị chạy xe 1 chiều.

Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, sau ngày 10/2, nếu các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô chưa điều chỉnh giảm giá cước thì Sở sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý theo quy định, đồng thời yêu cầu các bến xe khách từ chối phục vụ đối với các đơn vị không giảm giá.

3 kịch bản cho sự phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước

Theo ông Bùi Văn Dũng – Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế nhà nước có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn các tập đoàn kinh tế tư nhân. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty quy mô lớn nhất có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Dự báo về sự phát triển tập đoàn kinh tế Việt Nam, ông Dũng đưa ra 3 kịch bản thấp, trung bình và cao đối với 2 chỉ tiêu doanh thu bình quân và quy mô lao động bình quân.

Sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư tại đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong

Chiều 9/2, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã tiếp đoàn đầu tư nước ngoài và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về việc xây dựng Đề án, kêu gọi đầu tư phát triển Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam; đồng thời mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc xây dựng các đặc khu kinh tế.

Sau 10 năm, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ còn... 1%

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên