MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tin kinh tế 16/3: ANZ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015

Quốc hội biểu quyết chủ trương sân bay Long Thành tháng 6 tới; 3 "đại gia" muốn xây sân bay Quảng Ninh; Hiệp hội Mía đường chính thức lên tiếng về đề xuất nhập 50.000 tấn đường… cũng là những thông tin đáng chú ý trong ngày.

Quốc hội biểu quyết chủ trương sân bay Long Thành tháng 6 tới

Khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 24/6, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ diễn ra trong 29 ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3.

Một trong những nội dung của kỳ họp này là xem xét chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

3 "đại gia" muốn xây sân bay Quảng Ninh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành vừa ký quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cảng hàng không Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh theo hình thức BOT.Theo đó, sân bay quốc tế Quảng Ninh sẽ được xây dựng tại xã Đoàn Kết thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có diện tích sử dụng là 288,38 ha.

Tổng mức đầu tư của sân bay Quảng Ninh là 7.494 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 5.256,9 tỷ đồng; chi phí GPMB là 734,2 tỷ đồng. Hiện  Joinus Việt Nam, Posco E&C và Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc (KAC) lànhóm nhà đầu tư đang theo đuổi Dự án xây dựng sân bay Quảng Ninh.

Đến lượt Jetstar Pacific Airlines hỏi mua cảng hàng không

Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất được nhượng quyền khai thác nhà ga (cũ) của Cảng hàng không (CHK) Đà Nẵng để phục vụ hàng không giá rẻ.

Như vậy, sau khi VietJet Air, Vietnam Airlines đề xuất mua lại quyền khai  thác nhà ga T1 Nội Bài, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất mua CHK Phú Quốc thì JPA là nhà đầu tư mới nhất chính thức tham gia cuộc đua mua lại CHK theo chủ trương xã hội hóa hạ tầng hàng không của Bộ GTVT.

ANZ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Ngân hàng ANZ vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2015. Theo đó, các chuyên gia kinh tế của ANZ nhận định, cầu trong nước đã dần hồi phục sau một thời gian dài suy yếu. Trên cơ sở đó, ANZ dự báo, tăng trưởng của Việt nam trong năm 2015 và 2016 có thể đạt 6,5%. Con số này tăng so với dự báo trước đó của ANZ là 6,2% năm 2015 và 6,4% năm 2016.

Bên cạnh việc nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, ANZ cũng hạ dự báo về tỷ lệ lạm phát của Việt Nam do có nhiều lực đẩy tác động. Cụ thể, theo ANZ, lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ duy trì ở mức 2,6% và tăng lên 3,8% vào năm 2016 (giảm so với con số dự báo 3,0 và 4,5% trước đó). Lạm phát thấp sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay.

Hiệp hội Mía đường chính thức lên tiếng về đề xuất nhập 50.000 tấn đường

Trong văn bản mới nhất gửi lên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, Hiệp hội không hề phản đối việc nhập đường, mà chỉ yêu cầu nhập như thế nào để không làm trái với các quy định hiện hành nhằm lợi dụng của nhóm lợi ích.

Theo đó, Hiệp hội chỉ yêu cầu nhập 50.000 tấn đường từ Lào với các nguyên tắc: Nhập 100% đường thô về nước luyện lại thành đường RS (đường trắng) hoặc RE (đường tinh luyện), tạo thêm giá trị gia tăng, công ăn việc làm cho các doanh nghiệp trong nước; Đường nhập từ Lào được tính và khấu trừ trong hạn ngạch nhập khẩu hàng năm đã cam kết với WTO…

Nên có bên kiểm toán độc lập về cấu thành giá điện

Tại tọa đàm “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 16/3, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để nhà đầu tư đồng thuận mỗi lần tăng giá điện thì EVN phải minh bạch hơn trong tính toán chi phí, giá thành điện.

Theo ông Long, để người tiêu dùng chấp thuận được mỗi lần tăng giá của EVN thì cần tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” đối với EVN và có sự tham gia của cơ quan tư vấn, độc lập, đủ chuyên môn tham gia cùng.

Thảo Anh (Tổng hợp)

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên