MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín nhiệm thấp, cách chức luôn?

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết vềlấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, UB Pháp luật đề xuất nếu ai đó tín nhiệmthấp nên cách chức luôn. 

Sáng nay, Quốc hội đã nghe dự thảo Nghị quyết về vấn đề lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn.

5 trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm

Theo dự thảo, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm trong 5 trường hợp.

Thứ nhất, khi Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; Thứ hai là khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; Thứ ba, khi có kiến nghị của Hội đồng dân tộc, ủy ban của Quốc hội.

Thứ tư là người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”. Cuối cùng, người được lấy phiếu tín nhiệm 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Quy trình bỏ phiếu được tiến hành như sau. Thường vụ trình Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm, trong đó báo cáo rõ căn cứ bỏ phiếu. Sau đó, Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, người bị bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội.

Bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện dưới hình thức bỏ phiếu kín. Với người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội không tín nhiệm thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm đối với người đó.

Theo tinh thần Nghị quyết, việc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc miễn nhiệm

Thẩm tra dự án nghị quyết, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, có ý kiến đề nghị thay khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” bằng “bỏ phiếu bất tín nhiệm” để thể hiện rõ mục đích, yêu cầu và đối tượng cần bỏ phiếu.

Tín nhiệm thấp nên cách chức luôn?

Dự thảo cũng đưa ra một quy trình khác, đó là lấy phiếu tín nhiệm. Theo Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm là để đánh giá mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền.

Đa số thành viên UB Pháp luật tán thành quy định lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm và được tiến hành bắt đầu tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Việc này sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị rằng chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ vì một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình.

Hơn nữa, việc lấy phiếu hàng năm dễ tạo tâm lý “dĩ hòa vi quý”, e dè, ngại va chạm, không dám nghĩ, dám làm, khó có thể tạo ra những bước chuyển đột phá tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với công việc điều hành cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời, cũng không cần thiết tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào năm cuối nhiệm kỳ vì không mang lại hiệu quả thiết thực.

Thường trực UB Pháp luật cũng phân tích, việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết còn phức tạp, qua nhiều khâu, chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 cũng như các văn bản liên quan đến công tác đánh giá cán bộ. Do đó, đề nghị quy định với người có số phiếu tín nhiệm thấp thì đã đủ căn cứ để thực hiện việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức mà không cần qua thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm”.

Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ nội dung này vào chiều 29/10.

Sáng 10/11, phiên thảo luận tại hội trường sẽ được truyền hình trực tiếp.

Theo Lê Nhung

Vietnamnet


cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên