MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổn thất điện năng 10,48%, EVN vỡ kế hoạch

Theo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) chín tháng đầu năm của EVN là 10,48%.

Khả năng, cả năm 2010, tỷ lệ TTĐN của EVN sẽ ở mức 10,25%.

Đây là một mức tổn thất khá cao, nằm ngoài kế hoạch mà EVN được giao nhiệm vụ phải ngày càng giảm thấp để có nguồn cung ứng cho sản xuất và sinh hoạt. 8/11 tổng công ty, công ty điện lực một thành viên và tổng công ty Truyền tải quốc gia của EVN chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch giao về TTĐN. Với tỷ lệ TTĐN nêu trên, việc thực hiện giảm TTĐN đã không đạt yêu cầu, mà còn tăng 0,78% so với kế hoạch năm, tăng 0,86% so với cùng kỳ năm trước.

Từ năm 2006, do nhận thấy tỷ lệ TTĐN còn quá cao, Chính phủ yêu cầu EVN phải tìm giải pháp để giảm tỷ lệ này xuống còn một con số. Quyết định số 276 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm đó đã ấn định tỷ lệ TTĐN cho năm 2010 là 8%. Ba năm sau, khi xây dựng kế hoạch tổn thất điện năng cho giai đoạn từ năm 2009 – 2012, EVN đã đề xuất tăng tỷ lệ TTĐN cao hơn 1% so với Chính phủ yêu cầu, tức tăng lên mức 9% vào năm 2010. Thế nhưng, với tỷ lệ TTĐN mà EVN vừa công bố, tất cả những chỉ tiêu được Chính phủ giao, bộ Công thương yêu cầu (10%) hay cả kế hoạch do chính EVN xin “nới”, cho thấy EVN đã hoàn toàn “vỡ kế hoạch”. Điều đáng nói là, trong giai đoạn từ năm 2004 – 2008, EVN đã khá thành công trong giảm TTĐN, với mức trung bình trên 0,6%/năm, từ 12,23% xuống còn 9,21% vào năm 2008. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt điện lớn như năm qua, mức tổn thất lên đến 10,48% quả là một tổn thất lớn cho nền kinh tế.

Nguyên nhân của tình trạng này – theo EVN là do: nhiều công trình đường dây và trạm vào chậm so với kế hoạch, khiến lưới điện 110 – 500KV đầy và quá tải, phải vận hành theo phương thức cưỡng bức; các công trình nguồn vận hành không ổn định, nên phải truyền tải tối đa công suất và sản lượng trên đường dây 500KV Bắc – Nam; tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn rất lớn, nhưng thiếu vốn để cải tạo lưới và thiếu côngtơ điện để thay thế. Là một tập đoàn độc quyền về khâu truyền tải, phân phối điện, EVN nắm chắc tình hình, nhưng EVN đã không có biện pháp hiệu quả để giảm TTĐN ở khu vực này.

Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam tỏ ra bất ngờ và lo lắng khi nghe mức tổn thất điện năng của EVN vượt trên 10%. Ông Ngãi nói: “Đây là một con số quá cao, nếu so với tỷ lệ từ khoảng 4,6 – 6% của các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia. Nếu nhân 10% với 19.000MW (tổng công suất hiện nay, thì con số thất thoát quá lớn”. Ông Ngãi nói: “Dù biết phải mất hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư lưới điện, nhưng EVN phải làm thôi, vì đó là đầu tư cho lâu dài. EVN phải làm sao đến tới năm 2015, hạ tỷ lệ này xuống còn 6 – 8%”. Theo chuyên gia này, nếu giảm được lượng tổn thất xuống như vậy, có thể bù đắp một phần đáng kể vào lượng điện thiếu hụt hàng năm.

Theo Chí Hiếu

SGTT

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên