MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng công ty Lương thực miền Bắc: Tiền đâu để tái cơ cấu?

Với vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng, nhưng số nợ phải trả trong năm 2011 lên tới gần 11.000 tỷ đồng, chưa kể nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn tới khoảng 8.000 tỷ đồng

Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VNF1) đang đứng trước câu hỏi: “Tiền đâu để thực hiện tái cơ cấu?”.

Ngành chính là lương thực và muối

Ông Nguyễn Hữu Điệp, Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới Doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp nhà nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Đề án Tái cơ cấu VNF1 đã được Bộ thẩm định xong và trình lên Văn phòng Chính phủ.

Theo Đề án, VNF1 có hai ngành nghề chính là lương thực và muối và một số ngành nghề liên quan đến ngành, nghề chính là cho thuê tài sản, nhà kho, văn phòng nhằm khai thác cơ sở vật chất về nhà xưởng, kho bãi của Tổng công ty.

Trước đó, VNF1 đã đề xuất được bổ sung kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ vật liệu xây dựng… vào nhóm ngành, nghề kinh doanh có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính, song bị các bộ, ngành phản đối, vì đi ngược chủ trương thoái vốn đầu tư nhà nước khỏi lĩnh vực bất động sản của Chính phủ.

Liên quan đến việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong Đề án Tái cơ cấu, VNF1 khẳng định, từ năm 2012, Tổng công ty sẽ dần thoái 100% vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng (khoảng 118,3 tỷ đồng), lĩnh vực sản xuất bia tại Nam Định và Công ty cổ phần Muối miền Nam. VNF1 chỉ duy trì 100% vốn nhà nước đến năm 2015 tại Công ty mẹ - VNF1, Công ty TNHH một thành viên Muối Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Lương thực cấp I Lương Yên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc xác định ngành chính như trên là hợp lý, phù hợp với định hướng đưa VNF1 thành một tổng công ty chế biến, kinh doanh lương thực mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực và muối, thực hiện liên kết 4 nhà, đầu tư các sản phẩm nông sản chất lượng cao.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, VNF1 cần bổ sung cơ sở xác định cơ cấu tỷ trọng 80% dành cho ngành, nghề kinh doanh chính và 20% cho ngành, nghề có liên quan. Trong trường hợp không cần thiết phải giữ tỷ trọng 20%, VNF1 cần tăng tỷ trọng với ngành, nghề kinh doanh chính.

Ngoài ra, đề nghị giữ 100% vốn tại Công ty mẹ của VNF1 cũng phải xem lại, bởi Tổng công ty thuộc diện phải thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước giữ cổ phần chi phối. VNF1 cần xây dựng phương án và lộ trình cổ phần hoá để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thiếu sự đảm bảo về tài chính

Theo mục tiêu tái cơ cấu mà VNF1 đề ra, đến năm 2015, doanh thu của VNF1 tăng bình quân 6,5%/năm, với tổng doanh thu đạt hơn 24.290 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn đầu tư của chủ sở hữu đạt bình quân 15,7%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 327 triệu USD. Cũng đến năm 2015, tổng số lao động của VNF1 là 7.100 người, thu nhập bình quân là 6 triệu đồng/người/tháng.

Những mục tiêu trên được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao, nhưng phương thức thực hiện để đạt được chúng lại chưa thực sự thuyết phục, nhất là khả năng đảm bảo về tài chính.

Một nguồn tin cho hay, tổng số nợ phải trả năm 2011 của VNF1 ước khoảng 10.900 tỷ đồng, trong khi mức vốn điều lệ được phê duyệt của Tổng công ty là 3.068 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ đã vượt quá 3 lần, chưa phù hợp với quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

Chưa kể, theo phương án tái cơ cấu, nhu cầu vốn đầu tư của VNF1 trong giai đoạn 2011-2015 sẽ thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuy năm 2011, doanh thu của VNF1 đạt 11.204 tỷ đồng, tăng 43,2% so với năm 2010, song việc đảm bảo hệ số nợ trên tổng vốn điều lệ và nhu cầu vốn đầu tư vẫn là thách thức đối với Tổng công ty.

Theo Hà Tâm

Báo đầu tư

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên