MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Top 10 hàng xuất nhập khẩu có hàm lượng FDI cao nhất 9 tháng đầu 2014

Hàm lượng FDI trong hàng xuất nhập khẩu cao nhất thuộc về các nhóm hàng điện tử, công nghệ cao và công nghiệp chế biến. Nhóm hàng có giá trị xuất nhập khẩu lớn hàm lượng FDI lớn.

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 62% giá trị xuất khẩu và 56,4% giá trị nhập khẩu hàng hóa cả nước.

Tuy nhiên, khối FDI xuất siêu đến 7,15 tỷ USD, và đang làm vai trò dẫn dắt đến 26/29 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với tỷ trọng giá trị từ 28,4% đến 99,6%. Ngay cả những mặt sản phẩm nông sản như Hạt tiêu, Cà phê, sản phẩm từ cao su khối FDI cũng đóng góp từ 28,4% ~44%; sản phẩm truyền thống hàng gốm sứ khối FDI cũng chiếm tỷ trọng lớn (44%).

Thống kê cho thấy, có top 4 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất cả nước cũng là 4 nhóm mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất của khối FDI, gồm: Điện thoại và linh kiện, Dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại. 4 nhóm mặt hàng này cũng nằm trong top các mặt hàng có hàm lượng FDI cao nhất.

Sự gia tăng đầu tư sản xuất của Samsung đã đẩy “hàm lượng” FDI của nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện vốn đã cao nhất, 9 tháng đầu năm 2014 gần chạm mức 100%.

Có đến 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng FDI trên 70%. Đây cũng là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Ở phía ngược lại, khối FDI nhập khẩu 28 nhóm mặt hàng và có hàm lượng FDI từ mức 18% - hơn 90%. Chỉ có 6 nhóm mặt hàng có hàm lượng FDI trên 70%, 9 nhóm mặt hàng có hàm lượng FDI từ 60% – 70%. 

Khối FDI đóng vai trò chủ yếu trong nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, điện tử, viễn thông, công nghệ, công nghiệp nhẹ (dệt may, giày da). Bên cạnh đó khối FDI cũng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn đối với các mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 44,7%); Ngô (35,8%); lúa mì ( 53%)....

Điều này cho thấy, khối FDI đang tham gia sâu hơn vào việc cung cấp hóa phẩm, nguyên liệu dược phẩm, thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi. Đây là những khu vực trong phần đầu của chuỗi giá trị ngành hàng chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thực phẩm, dược phẩm.

Ngoài ra, hàm lượng FDI trong hàng hóa nhập khẩu cho thấy sự “non trẻ” trong ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, khi các doanh nghiệp này phải nhập khẩu lượng hàng hóa lớn để phục vụ sản xuất xuất khẩu. Đồng thời sự tham gia của khối FDI trong phần nhập khẩu cũng phản ánh sự hấp dẫn của thị trường nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ hàng hóa xuất khẩu ở Việt Nam.

Thanh Giang

quynhnn

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên