Sở Lao động, Thương binh và xã hội Tp.HCM vừa thực hiện cuộc
khảo sát đối với 27 ngành nghề tại 1.502 doanh nghiệp với 33.415 nhu cầu tuyển
dụng và trên 10.000 người có nhu cầu việc làm.
Theo đánh giá chung của cơ quan này, tháng 12/2009 thị
trường Tp.HCM vẫn tiếp tục xu hướng thiếu hụt lao động, nguồn cung chỉ đáp ứng
khoảng 50% đối với ngành nghề có chuyên môn cao và từ 60- 65% đối với ngành
nghề có chuyên môn trung cấp, sơ cấp và lao động phổ thông.
Tháng 11: cung cầu đều tăng mạnh
Trong tháng 11 chỉ số cầu nhân lực tăng 14,57% so với tháng
10/2009. Cụ thể chỉ số cầu của 19 ngành nghề tăng và 8 ngành nghề giảm. Ngành
nghề sản xuất, chế biến thực phẩm tăng trên 4 lần; ngành quản lý nhân sự - tổ
chức tăng 1,3 lần so với tháng trước, tập trung chủ yếu vào các ứng viên có
chuyên môn. Các ngành khác có chỉ số tăng tiếp theo là nghiên cứu khoa học, tư
vấn - bảo hiểm, quản lý kinh tế - kinh doanh – quản trị chất lượng, nông – lâm
– ngư nghiệp, còn các ngành khác tăng nhẹ.
Tuy vậy dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng trong tháng 11 vẫn là
ngành điện - điện tử - điện công nghiệp - điện lạnh, chiếm 21,42%. Tiếp đến, là
các ngành dịch vụ - phục vụ (11,77%), bán hàng - marketing - nhân viên kinh
doanh (10,96%), cơ khí – sửa chữa ô tô, xe máy (6,93%), dệt may – da giày (6,11%),
quản lý nhân sự - tổ chức (5,58%).
Thị trường lao động tháng 11 có xu hướng rõ nét trong tuyển
dụng nhân sự cao cấp cho các vị trí quản lý. Cụ thể: về trình độ lao động trên
đại học tăng 8 lần và đại học tăng 10% so với tháng 10. Không chỉ tìm kiếm nhân
sự mới, nhiều doanh nghiệp nhận ra đây là cơ hội tốt để thay đổi nhân sự, nâng
chất lượng đội ngũ nhân viên mà không phải tốn quá nhiều chi phí tuyển dụng,
khi một số lượng không nhỏ người nước ngoài, kể cả Việt kiều tiếp tục đổ về
Việt Nam tìm việc. Đây là một thời điểm tốt cho các doanh nghiệp muốn tuyển
dụng lao động cao cấp nước ngoài mà không tốn chi phí để mời họ.
Trong tháng 11/2009 chỉ số cung nhân lực tăng 172,69% so với
tháng trước. Nhóm ngành nghề có chỉ số cung tăng mạnh nhất so với tháng 10 là
nhóm giáo dục và đào tạo - thư viện (162,35%), hành chính văn phòng (145,42%) ,
ngoại ngữ - biên phiên dịch (156,7%), giao thông vận tải - thủy lợi - cầu đường
(114,39) so với tháng trước. Có chỉ số cầu giảm mạnh nhất là thiết kế đồ họa -
in ấn - bao bì - xuất bản (93,64%) và quản lý nhân sự - tổ chức (84,37%).
Tháng 12: cung chỉ đáp ứng 50% cầu
Tuy nhiên, trong tháng 12/2009, chỉ số cung cao nhất là nhóm
ngành nghề tài chính - ngân hàng - kế toán - kiểm toán (48,26%) so với tất cả
các nhóm ngành nghề khảo sát. Điều này được giải thích là do nhu cầu lập báo
cáo tài chính, thanh quyết toán cuối năm của các đơn vị tăng cao nên các ứng
viên trong ngành này đứng ra ứng tuyển làm thêm giờ hoặc tìm việc bán thời gian
rất lớn.
Nghề thư ký-hành chính văn phòng cũng có nhu cầu tuyển dụng
cao song đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm của ứng viên, trong khi số lao động
tìm việc trong ngành này phần đông mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Ngành
bán hàng, dệt may-giày da là những ngành có mức thu nhập thấp nên thiếu tính ổn
định, nhu cầu nhảy việc diễn ra thường xuyên.
Nhìn chung xu hướng cầu tháng 12 sẽ tập trung chủ yếu vào
nguồn lao động chất lượng cao, bao gồm các nhóm ngành nghề quản lý kinh tế -
kinh doanh – quản trị chất lượng, nghiên cứu khoa học, quản lý nhân sự - tổ
chức.
Tuy nhiên, nhu cầu lao động phổ thông, nghề sơ cấp vẫn tiếp
tục tăng mạnh, tập trung các ngành nghề bán hàng, dịch vụ, phục vụ ăn uống và
các ngành gia công sản xuất hàng dân dụng, chế biến thực phẩm, trang trí nội
thất, sửa chữa xây dựng nhỏ. Đây là nhóm ngành nghề thường xuyên thiếu lao
động, do tính chất công việc không ổn định, thu nhập thấp. Nếu tình hình không
được cải thiện, tình trạng thiếu hụt nhân công sẽ càng ngày càng gay gắt.
Bên cạnh đó, sự mất cân đối còn thể hiện ở hiện tượng một số
nhóm ngành nghề có nhu cầu cao nhưng hạn chế nguồn cầu, trong khi có những nhóm
ngành nghề phong phú nguồn cung nhưng nhu cầu của thị trường lại không cao.
Theo Xuân Nghi
VnEconomy