MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tránh đầu tư công kiểu “chỉ chọn ăn tôm hùm”?

Theo TS. Huỳnh Thế Du, cơ chế ngân sách "tôm hùm" là kiểu chia ngân sách dựa trên sự cào bằng nhiều hơn là dựa trên hiệu quả đầu tư.

TS. Huỳnh Thế Du
TS. Huỳnh Thế Du
Giảng viên Chính sách công Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
27 bài viết

Tham luận tại hội thảo “Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh” , TS. Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, ví von việc lựa chọn dự án đầu tư công ở nước ta lâu nay giống như sinh viên vào nhà hàng chọn ăn… tôm hùm, món đắt tiền nhất (do thỏa thuận chia đều chi phí thay vì ai ăn gì trả nấy).

Cơ chế phân bổ ngân sách bất cập

Theo ông Du, nước ta đang gặp trục trặc trong việc phân bổ nguồn lực có giới hạn. Bằng chứng của vấn đề này là ngân sách nhà nước đang được phân bổ rất nhiều cho những địa phương có hoàn cảnh khó khăn, trong khi những nơi đang tạo ra năng suất và giá trị gia tăng cao chưa được dành một nguồn lực đúng mức. Mục tiêu cuối cùng là phát triển đồng đều trên phạm vi cả nước.Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, đối với các vùng khó khăn hay có vị trí trọng yếu về mặt an ninh quốc gia, Việt Nam tạm thời chấp nhận chỉ đầu tư để đạt được mức yêu cầu tối thiểu. Nguồn lực còn lại nên dành cho những nơi tạo ra nhiều giá trị để nuôi dưỡng nguồn thu.

Cơ chế phân bổ ngân sách hiện tại, theo đánh giá của ông Du, “rất bất cập”. Lấy điển hình năm 2012, tổng chi ngân sách so với GDP của Việt Nam vào khoảng 30% GDP, nhưng TPHCM – địa phương có nguồn thu ngân sách lớn nhất nước chỉ có 9,5% (bao gồm các đơn vị sự nghiệp tự thu tự chi). Nếu tính ngân sách ròng của Thành phố thì chỉ khoảng 7%. Với nền kinh tế hiện tại của TPHCM khoảng 40 tỷ USD, nhưng chi ngân sách của TPHCM chỉ khoảng 3-4 tỷ USD.

Trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, khả năng để các vùng kinh tế động lực có mức chi ngân sách bằng bình quân cả nước là khó. Do vậy, quan điểm của ông Du là một mức sàn tối thiểu bằng 15% cho tất cả các địa phương là hợp lý. Phần dôi ra sẽ phân bổ theo các ưu tiên hiện tại. “Nếu theo công thức này, về cơ bản sau hơn một thập kỷ, những vùng như Hà Nội hay TPHCM có thể xây dựng được những cơ sở hạ tầng then chốt tạo động lực cho phát triển”- ông Du tự tin với đề xuất của mình.

Lấy ví dụ hệ thống tàu điện ngầm của TPHCM, ông Du cho hay: Việc xây dựng chúng là hết sức quan trọng vì không có siêu đô thị nào giải quyết được tắc nghẽn giao thông và trở nên phát triển lại thiếu vắng một hệ thống vận tải hành khách công cộng công suất lớn hiệu quả. Hiện tại các thành phố lớn, nhất là TPHCM đang phải liệu cơm gắp mắm và không biết khi nào có thể xây dựng xong dự án xây dựng hệ thồng tàu điện ngầm và khả năng kết nối cả hệ thống khi mà mỗi nhà tài trợ mỗi đoạn theo công nghệ khác nhau là dấu hỏi lớn.

Trong khi đó, theo ông Du, hiện chi phí cần thiết để hoàn thiện hệ thống nếu dựa vào vốn ODA vào khoảng 20 tỷ USD (thường đắt hơn khoảng 1/3 so với tiền ngân sách bỏ ra). Khả năng xây dựng cả hệ thống tàu điện ngầm nếu chỉ trông vào vốn ODA hay mô hình hợp tác công tư là không cao vì chưa nơi nào trên thế giới làm được.

Cần thiết lập nguyên lý “ai ăn bánh người đó trả tiền”

Ông Huỳnh Thế Du cho rằng, “một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay ở Việt Nam là “cơ chế ngân sách tôm hùm” – hầu như địa phương hay đơn vị nào nào cũng muốn có được những công trình quy mô được hỗ trợ từ ngân sách trung ương mà không quan tâm đến hiệu quả và sự hữu dụng của chúng”.

Chỉ tính từ khi nhà nước quyết định chuyển định hướng phát triển từ tăng trưởng cao sang ổn định kinh tế vĩ mô, từ đầu năm 2011 đến nay, xuất hiện nhiều dự án, công trình có số dự kiến số vốn khủng nhưng kém hiệu quả về mặt quốc kế dân sinh như: Với Sơn La, một địa phương có số thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại có kế hoạch xây cụm tượng đài và quảng trường lên đến 1.400 tỷ đồng. Công trình nhà bảo tàng mấy nghìn tỷ ở Hà Nội đang bỏ không lại triển khai kế hoạch xây dựng bảo tàng hơn 11.000 tỷ đồng. Đặc biệt gần đây nổi lên kế hoạch xây dựng các trung tâm hành chính tập trung nghìn tỷ….

Từ thực thế này, theo ông Du, vấn đề cốt lõi của sự lãng phí trong đầu tư công hiện nay ở nước ta nằm ở khía cạnh kinh tế chính trị chứ không phải các vấn đề kinh tế hay kỹ thuật thuần túy. Cơ chế và cách thức phân bổ ngân sách và nguồn lực hiện tại đang có nhiều bất cập làm cho các nơi luôn muốn chọn "tôm hùm" thay vì liệu cơm gắp mắm.

Cách thức phân bổ nguồn lực nhà nước hiện nay đang tạo điều kiện cho các nhóm trục lợi vì lợi ích ngắn hạn ảnh hưởng đến việc chọn lựa và quyết định nhiều dự án đầu tư công. Các địa phương hay các đầu mối được giao quyền sử dụng ngân sách tìm cách xin trung ương để được ưu đãi, đặc thù, còn lợi ích chung mà các dự án đầu tư đó đem lại cho xã hội là rất mơ hồ.

Để giải quyết vấn đề hiện tại, ông Du đề xuất: Thiết kế cơ chế cạnh tranh giữa các tổ chức ở khu vực công, các bộ, ngành hay chính quyền các địa phương và áp lực từ những đối tượng có lợi ích dài hạn từ các khoản đầu tư công (chủ yếu là đông đảo người người dân). Điều này nhằm đảm bảo để có thể tạo ra các lựa chọn công mềm. Đồng thời, thiết lập nguyên lý “ai ăn bánh người đó trả tiền” thay vì người này ăn người khác trả tiền hay chia đều như cấu trúc ngân sách “tôm hùm” hiện nay.

Và phải áp đặt các ràng buộc ngân sách cứng đối với các dự án đầu tư. Đối với những dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn và thiếu hiệu quả sẽ không được xem xét cấp thêm vốn, thay vào đó chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm bỏ thêm tiền để tiếp tục xây dựng, triển khai và vận hành dự án.

Quyết định phân bổ vốn đầu tư cần phải có trọng tâm và trọng điểm, tránh dàn trải và lãng phí, qua đó giúp làm tăng hiệu quả vốn đầu tư cho nền kinh tế….

Thêm vào đó, cần có cơ chế để những nhóm thụ hưởng lợi ích của dự án hay các nhóm có lợi ích gắn bó dài hạn từ các dự án có thể tham gia vào quá trình hình thành chủ trương, ra quyết định, triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá và kiểm toán dự án./.

Theo Xuân Thân

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên