MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triển vọng kinh tế 2016 dưới góc nhìn của 3 Bộ trưởng

Bên lề Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trả lời phỏng vấn về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 cũng như các nhiệm vụ, giải pháp, triển vọng của nền kinh tế trong năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: KT-XH năm 2015 có những bước tiến vượt bậc

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, bên cạnh những thuận lợi căn bản, đất nước ta cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức.

Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn dân, kinh tế-xã hội năm 2015 có những bước phát triển vượt bậc, vượt xa so với những mục tiêu đã đặt ra, chính vì vậy đã góp phần hoàn thành tốt Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011-2015.

Kết quả nổi bật, điểm sáng của kinh tế-xã hội năm 2015 là: Tiếp tục giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, trong khi đó tăng trưởng lại được duy trì ở mức độ cao. Năm nay, chúng ta đưa ra kế hoạch tăng trưởng GDP là 6,2%, đây là mức rất cao so với 4 năm trước và trong dự báo mà Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội là 6,5%.

Nhưng đến nay, theo tính toán rất chặt chẽ, tăng trưởng kinh tế đạt 6,68%. Đây là con số tăng trưởng đạt ở mức cao nhất trong 8 năm qua, kể từ năm 2008 đến nay trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh, chỉ có 0,6%.

CPI giảm mạnh, điều này có người đặt câu hỏi có vấn đề gì không, tại sao CPI giảm mạnh như vậy. Xin khẳng định ở đây, vấn đề là nhu cầu, tổng cầu của xã hội đang tăng rất mạnh, kinh tế của Việt Nam đang trên đà hồi phục, không có biểu hiện nào của giảm phát.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng thời gian qua và là động lực thúc đẩy tăng trưởng những năm qua.

Mặc dù gặp khó khăn do thời tiết, song nông nghiệp đã có sự cố gắng lớn để đạt được tăng trưởng khoảng 2,4%. Đây là cố gắng cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sự giảm giá trên thị trường nông sản thế giới năm qua.

Vấn đề thứ hai là tái cơ cấu kinh tế, chúng ta chưa bằng lòng với những gì làm được. Nhưng phải nói, trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn như vậy và chúng ta đang phục hồi kinh tế, song vẫn quyết liệt thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Tái cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đúng hướng, nâng cao dần sức cạnh tranh.

Theo rất nhiều chỉ số được các tổ chức quốc tế công bố, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã tăng lên 19 bậc, nhiều chỉ số khác về vĩ mô cũng đang tiến tới những con số tốt hơn rất nhiều so với những năm trước, góp phần cải thiện rất nhiều về chất lượng nền kinh tế Việt Nam.

Cũng trong bối cảnh khó khăn, chúng ta vẫn bảo đảm được các vấn đề về an sinh xã hội. Giải quyết việc làm năm 2015 tăng 1,6% so với năm 2014; tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%, riêng các huyện nghèo giảm còn 28%; tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2015 ước đạt 51,6%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ là 21,9%. Việt Nam được quốc tế vinh danh là một trong những quốc gia thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ, đặc biệt là trong giảm nghèo.

Một điểm sáng nữa là hoạt động doanh nghiệp có những chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn tăng cao. Năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 26,6% và số vốn tăng tới trên 39%; số doanh nghiệp phục hồi trở lại cũng tăng rất cao. Đây là hệ quả của những chính sách tốt như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2015 đã làm gia tăng nhiều doanh nghiệp thành lập mới.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

“Những kết quả đạt được tuy mới là bước đầu và chúng ta chưa bằng lòng với những gì đạt được, song trong bối cảnh kinh tế phải khắc phục những hậu quả của bất ổn vĩ mô để phục hồi lại sự tăng trưởng và lấy lại được sự tăng trưởng cao trong 2 năm gần đây, nhất là năm 2015 thì đây là một cố gắng rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Trong đó nổi lên là chất lượng tăng trưởng bền vững chưa cao vì vẫn phải dựa vào vốn, phụ thuộc vào tăng trưởng từ nguồn lao động giá rẻ, tăng trưởng nhờ qua đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngoài ra, tái cấu trúc nền kinh tế mới chỉ đạt được kết quả bước đầu, chưa đi vào chiều sâu, nhất là vấn đề về tăng năng suất lao động. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp còn rất mỏng và ít so với yêu cầu; nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao; vấn đề về an toàn thực phẩm, an toàn xã hội, công tác vệ sinh môi trường còn nhiều mặt bức xúc.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2016 là 6,7%, trong khi năm 2015 đã đạt 6,68%. Tại Hội nghị, có những tỉnh đề xuất đặt mục tiêu tăng trưởng 2016 lên 7%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng không nên đặt ra mục tiêu tăng 7% vì 6,7% của năm 2016 là một thách thức trên nền tăng trưởng của năm 2015 đã đạt được. Do đó, mỗi một phần trăm tăng trưởng của năm 2016 còn lớn hơn và nhiều áp lực hơn.

Thêm vào đó, trong năm 2016, chúng ta có nhiều thuận lợi cho tăng trưởng nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Thách thức lớn nhất là phải khai thác hiệu quả được những cơ hội từ hội nhập khi đã tham gia Cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sự mở cửa nền kinh tế càng rộng thì lại càng phải đối mặt với nhiều cạnh tranh. Nền kinh tế không nâng cao được khả năng cạnh tranh của mình, sản phẩm không cạnh tranh hơn, vẫn sản xuất manh mún, làm ăn như cũ thì sẽ bị thua ngay trên sân nhà, chưa nói tới sân khách.

Vì thế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2016, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng phải ý thức được điều này: mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương, mỗi ngành phải tìm ra các giải pháp hiệu quả để tháo gỡ được những khó khăn, đẩy mạnh sự phát triển và nâng cao tính cạnh tranh. Cần xác định ngành mình trong nước phải đối mặt với những gì, ngoài nước các đối thủ cạnh tranh ra sao và đề ra giải pháp cụ thể, hiệu quả, không thể nói chung chung.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, Nhà nước sẽ luôn đứng cạnh các doanh nghiệp để điều chỉnh nền kinh tế, đưa ra các khung pháp lý thuận lợi nhất, thông thoáng nhất và Nhà nước tiếp tục giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt chính sách về tiền tệ; đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp, tiếp tục cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh, đây là vấn đề then chốt nhất của năm 2016.

Trên nền tảng những kết quả đạt được, Chính phủ đã dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó phân công, chỉ đạo rõ từng bộ, ngành, địa phương phải làm gì và yêu cầu đặt ra là phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết thì với kỳ vọng được năm 2016 là năm có tăng trưởng cao, có kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo được các vấn đề về an sinh xã hội…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình: Phối hợp chặt chẽ, tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, những kết quả đạt được trong năm 2015 đã khẳng định kinh tế vĩ mô của đất nước được củng cố vững chắc hơn một bước. Điều đó khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong kiên định các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong suốt 4 năm qua, lạm phát của đất nước luôn được kiểm soát ở mức thấp và điều này đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để đạt được các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Trên cơ sở lạm phát ổn định, việc điều hành những chính sách tiền tệ có những thuận lợi, góp phần hỗ trợ kiềm chế lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Năm 2015, mặt bằng lãi suất đã được đưa về mức được cho là tốt nhất trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế được phục hồi, góp phần vào đạt tốc độ tăng trưởng cao, có thể nói là cao nhất trong nhiều năm qua.

Cùng với đó, năm 2015 cũng là năm thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động, tác động đến thị trường tiền tệ của Việt Nam. Song với với các giải pháp hiệu quả, linh hoạt được chỉ đạo, thị trường tiền tệ của Việt Nam giữ được sự phát triển ổn định, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, bảo đảm được sự ổn định, phù hợp với những diễn biến kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, trong năm 2015, sự phục hồi của nền kinh tế được diễn ra đồng đều qua tất cả các quý, do vậy tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng tăng trưởng ngay từ đầu năm và tăng khoảng 18%. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, con số rất phù hợp với sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.

Tổng hòa lại, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, có thể nói năm 2015 là năm tiếp tục khẳng định được tính chất đúng đắn trong quản lý kinh tế vĩ mô cũng như điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Bước sang năm 2016, bên cạnh những nét thuận lợi, chúng ta cũng phải lường trước những khó khăn có thể tác động đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách điều hành tiền tệ của đất nước.

Để kiểm soát được lạm phát, theo Thống đốc, phải đề ra những biện pháp kịp thời, nhanh nhạy, phù hợp với những diễn biến của kinh tế thế giới cũng như những vấn đề phát sinh của kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức mà Quốc hội đã thông qua là dưới 5% cho năm 2016 và những năm tiếp theo.

Để tiếp tục hỗ trợ cho phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cố gắng để duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay và nếu có điều kiện sẽ tiếp tục giảm thêm để hỗ trợ cho đầu tư phát triển. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững sự ổn định của thị trường ngoại tệ, sự ổn định về tỷ giá; kiểm soát tốt, bảo đảm chất lượng tăng trưởng.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng Việt Nam ngày càng lành mạnh hơn, vững chắc hơn, có thể chống chọi lại được những tác động bất lợi từ bên ngoài cũng như từ nội tại nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu

Cho biết những nét nổi bật về hoạt động của ngành công thương trong năm 2015 và phân tích những thuận lợi, khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, muốn giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2016, trước hết phải tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất.

Theo đó, chỉ khi sản xuất được mở rộng thì mới có thêm nhiều hàng hóa để phục vụ cho xuất khẩu. Đồng thời phải tận dụng được các ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, tìm mọi biện pháp để giảm thiểu những tác động bất lợi cho sản xuất và cho tiêu thụ sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải chủ động hơn trong tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường…

 

Theo Nguyễn Hoàng

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên