MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc ồ ạt đầu tư dệt may tại Việt Nam: Không thu hút FDI bằng mọi giá!

Trao đổi với PV xung quanh làn sóng ồ ạt đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc vào lĩnh vực dệt, nhuộm, cảnh báo nguy cơ biến Việt Nam thành bãi thải công nghệ cũ, lạc hậu, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho rằng: Cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, bởi hậu quả để lại sẽ rất nặng nề cho nền kinh tế.

Ông cho biết: Nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ vào Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong thời điểm kinh tế mở cửa. Việc sử dụng máy móc lạc hậu tác động rất xấu đến môi trường. Vấn đề này pháp luật có quy định rõ, đặc biệt tuyệt đối cấm với rác thải.

Quy định là vậy nhưng trong thực tiễn vẫn xảy ra tình trạng này, tôi cho điều đó rất nguy hại! Vì thế tôi đề nghị trước hết là cơ quan quản lý nhà nước, sau nữa là cơ quan thanh tra, kiểm tra phải vào cuộc để đảm bảo thực thi pháp luật nghiêm minh, đúng quy định.

Cho phép DN FDI vào đầu tư trong nước đã được phân cấp về địa phương. Vậy theo ông cần có biện pháp xử lý nào mạnh tay hơn với những tỉnh để xảy ra tình trạng này?

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.

- Quy định của pháp luật đã có thì bất kể là trung ương hay địa phương, cấp ngành nào cũng đều phải thi hành nghiêm túc. Việc không thực thi đúng theo quy định pháp luật đều phải được ngăn chặn và xử lý đúng. Để làm được điều đó, theo tôi phải ngăn chặn ngay từ khâu nhập khẩu.

Trước hết là Tổng cục Hải quan phải rà soát khâu đó, vào nội địa rồi thì các bộ khác phải vào cuộc là Bộ KHĐT, Bộ KHCN và các bộ ngành có nghĩa vụ, chức năng quy định, các cấp chính quyền địa phương quy định trong luật. Tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước được Quốc hội giao cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ đó nhưng vẫn để cho tình trạng nhập khẩu máy móc lạc hậu từ nước ngoài vào.

Về lâu dài, theo ông cần có cách nào để cân đối hài hòa giữa việc thu hút FDI và ngăn chặn các nguy cơ nói trên?

- Đứng ở góc độ lành mạnh hóa cán cân ngoại thương, không thể phủ nhận vai trò không nhỏ của nhiều DN FDI. Tuy nhiên, đã đến lúc cần xem xét lại các DN này có đang lợi dụng các chính sách ưu đãi của VN để xuất khẩu hàng hóa hay không. Bởi vì đầu tư vào VN so với các nước trong khu vực có ưu đãi rất lớn về thuế. Thuế thu nhập DN khối FDI giảm từ 32% trước kia xuống còn 22%, một số DN còn giảm xuống 20%.

Trong khi đó tại một số nước trong khu vực, mức này cao hơn. Thế mạnh của ta khi có sự góp mặt của DN FDI là nguồn lao động rẻ được sử dụng nhiều cũng hết dần rồi! Đối với khối FDI, sự đóng góp của họ cho đất nước chúng ta mức độ nào, những ưu đãi của chúng ta được thực hiện như thế nào, có cân xứng không, đó là những điều cần thiết phải rà soát, nhận định lại.

Tôi cho rằng thu hút các nguồn lực ngoài nước phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân, đảm bảo được hiệu quả, chất lượng nền kinh tế là không chỉ dựa vào tài nguyên thô, lao động rẻ mà phải đi vào những lĩnh vực bền vững, then chốt của nền kinh tế như những hàng hóa có hàm lượng KHCN, chất xám cao, có sức cạnh tranh lớn, hiệu quả cao. Đó mới là phát triển kinh tế bền vững!

- Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Việc nhập thiết bị công nghệ nước ngoài lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đã được Quốc hội cảnh báo, đặc biệt là báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hội nhập kinh tế, báo cáo đánh giá KTXH vừa rồi cũng lưu ý cần cảnh giác với các thiết bị, công nghệ nhập khẩu lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cho nước tiếp nhận. Công nghệ lạc hậu, không thân thiện môi trường mang lại hậu quả nặng nề với nền kinh tế và con người.

Sẽ rất nguy hiểm nếu không kiểm soát được và để cho máy móc thiết bị ồ ạt nhập sang và sản xuất chế biến ở VN gây ô nhiễm, trong khi hàng hóa xuất đi thì DN đó hưởng lợi. Vấn đề là các địa phương chỉ chăm chăm thu hút đầu tư để hưởng lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Đầu tư vào thì tốt, tiếp tục kêu gọi thu hút FDI nhưng phải nghĩ đến lợi ích lâu dài, đặc biệt là vấn đề về môi trường, nếu không DN đó sẽ phải trả giá vì chi phí bỏ ra để xử lý ô nhiễm môi trường nhiều khi còn lớn hơn cả nguồn thu!  D.H (ghi)

Ông Đặng Thành Tâm - Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Mặc dù, Trung Quốc tham gia vào Nghị định Kyoto về bảo vệ khí hậu toàn cầu nhưng Trung Quốc vẫn không giảm được khí thải. Trung Quốc cũng là nước bị ảnh hưởng từ chính các nhà máy của mình, đặc biệt là thủ đô Bắc Kinh. Ví dụ năm 2014, tôi có dự một hội nghị APEC ở Bắc Kinh, trước khi hội nghị diễn ra 1 tháng người ta bắt 2.000 nhà máy phải đóng cửa để nhìn thấy bầu trời. Ngay tại Trung Quốc còn như thế thì khi nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam với hệ thống máy móc cũ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường chứ không phải không. Về điều này theo tôi các bộ, ngành, cũng như các địa phương cũng phải yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện đúng theo những quy định, chứ không phải vì thu hút đầu tư của nước ngoài mà “bỏ quên” quy định, không kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, máy móc...

XUÂN HẢI (ghi)

 

 

Theo Dương Hà

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên