MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Đăng Doanh: Kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi nhưng mức độ hội nhập rất cao

Một năm nhìn lại, bức tranh kinh tế Việt Nam đã có nhiều điểm sáng rõ nét. Trong đó, GDP tăng trưởng vượt dự báo, xuất khẩu cán đích, giá xăng dầu giảm, lạm phát thấp …

Nội dung đáng chú ý:

- Theo TS. Lê Đăng Doanh, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, Nhà nước có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, ngân sách cân đối.

- Năm 2014, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua một số luật như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật nhà ở ...

- Trong thời gian tới, Việt Nam cần coi trọng việc thực thi pháp luật, thực thi đúng là một nhà nước pháp quyền, loại bỏ lợi ích nhóm.


Trong cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại”, James A. Robinson và Daron Acemoglu từng viết: “Nếu quyền lực chính trị có sự tham gia rộng rãi của quần chúng thì thể chế chính trị và kinh tế góp phần mang lại sự thịnh vượng, phúc lợi cho đông đảo quần chúng”. Điều này có nghĩa là, thể chế kinh tế đóng vai trò quan trọng và quyết định đến hiệu quả của nền kinh tế đó.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường hiện nay?

Nhà nước có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, ngân sách cân đối; thực hiện tăng trưởng xanh, sạch, bền vững. Bộ máy quản lý nhà nước cần gọn nhẹ, hiệu quả, chống tham nhũng, quan liêu, lạm dụng chức quyền.

Cùng với đó, nhà nước cần thực hiện cạnh tranh bình đẳng, kiểm soát độc quyền, đảm bảo quyền tự do kinh doanh; tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Đảm bảo kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy khoa học công nghệ.

Theo đánh giá của ông, những thành tựu nổi bật trong công cuộc cải cách thể chế của Chính phủ trong năm 2014 là gì?

Điểm nổi bật nhất năm 2014 là Chính phủ đã nhấn mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Đích thân Thủ tướng đã nhiều lần làm việc với các bộ để giảm chi phí về thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, hải quan và các thủ tục về đầu tư, xây dựng.

Gần đây, ngày 9/2, trong văn bản trả lời kiến nghị của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng đã nêu bật việc cắt giảm nhiều thủ tục và cắt giảm thời gian như số giờ nộp thuế đã giảm xuống 289 giờ và còn tiếp tục cắt giảm nữa. Đó là một trong những nỗ lực cải cách đáng kể.

Một nỗ lực đáng ghi nhận khác của Chính phủ là công tác đẩy mạnh cổ phần hóa và đã có nỗ lực trong việc cổ phẩn hóa. Trong Luật doanh nghiệp, lần đầu tiên đã đưa ra khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp 100% vốn, doanh nghiệp đã cổ phần hóa phải tuân theo đúng luật doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua một số luật như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật nhà ở trong đó cho phép người nước ngoài được mua nhà. Đó là những tiến bộ vượt bậc, tạo tiền đề cho cải thiện môi trường kinh doanh năm 2015.

Ngoài ra, Chính phủ đã kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc và Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan; đàm phán FTA với EU cũng mở ra cơ hội ký kết trong năm 2015. Không những thế, năm nay Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đàm phán và ký kết TPP.

Có thể nói, đây là những nỗ lực rất lớn. Nếu ký kết được các hiệp định này, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường. Độ mở cửa hứa hẹn rất lớn vì Việt Nam là một nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng mức độ hội nhập rất cao. Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Những thách thức đặt ra với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 là gì, thưa ông?

Thách thức lớn nhất chính là khoảng cách giữa luật ban hành và luật thực hiện. Chẳng hạn như theo cam kết tham gia WTO, trước khi ban hành quy định liên quan đến người dân, Chính phủ phải công bố trên mạng trước 60 ngày. Nhưng thực tế, nhiều văn bản không được công bố.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề Chính phủ đã quy định nhưng chưa được thực thi và chưa được giám sát độc lập. Ai giám sát chi phí giá thành của EVN? Ai giám sát giá của các công ty vận tải?

Để đảm bảo công bằng, nhà nước cần đẩy mạnh thực thi các luật ban hành. Cần phải có những quy định rõ ràng và nghiêm túc, cấm những điều mà viên chức, quan chức không được làm như việc ăn nhậu, cuối buổi gọi doanh nghiệp đến trả tiền. Trên thế giới đây là hành vi tham nhũng và lợi dụng chức quyền.

Một thách thức không nhỏ nữa là cân đối ngân sách đang rất căng thẳng nên phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, khắc phục hiện tượng lãng phí, tận dụng ngân sách.

Theo ông, những vấn đề nào liên quan đến thể chế, chính sách Nhà nước cần khắc phục trong năm 2015?

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năm 2014, Việt Nam xếp thứ 68 về năng lực cạnh tranh, chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar trong khu vực ASEAN. Trong khi đó, xếp hạng về thể chế của Việt Nam rất thấp. Cụ thể, về luật sở hữu, Việt Nam xếp thứ 104/144 quốc gia; về gánh nặng quy định của Chính phủ, Việt Nam xếp thứ 101/144 quốc gia …

Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần coi trọng việc thực thi pháp luật, thực thi đúng là một nhà nước pháp quyền, loại bỏ lợi ích nhóm. Rõ ràng việc không giảm giá cước vận tải là có lợi ích nhóm ở đây bởi vì tất cả các công ty vận tải cùng lẳng lặng.

Bộ quy định công ty nào không giảm giá cước sẽ rút giấy phép. Nhưng trong tình hình mọi người dân đang về ăn tết mà rút giấy phép, giảm cung trong khi cầu tăng thì sẽ tạo cơ hội để tăng giá. Như vậy rất nguy hiểm. Do đó, cần xem xét, xử lý, kiểm soát lợi ích nhóm nhưng vẫn chú ý cơ chế thị trường, đảm bảo cung cầu.

Ông nhận định thế nào về cơ hội của Việt Nam sau khi các hiệp định thương mại được đàm phán và ký kết thành công?

Theo dự kiến, đến cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN(AEC) sẽ được hình thành, các nước ASEAN phát triển hơn sẽ “hăm hở” vào Việt Nam. Thái Lan có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp nước này vào Việt Nam, tư vấn liên kết thâm nhập thị trường. Trong khi đó, Việt Nam chuẩn bị rất ít và kém về lực.

Hội nhập thì thách thức đến ngay, trong khi cơ hội lại phụ thuộc vào tiềm lực. Có tăng được xuất khẩu hay không vẫn là câu hỏi lớn. Điều quan trọng là cần nhìn rõ cơ hội và thách thức để có những bước đi đúng đắn.

Vậy giải pháp của Việt Nam là gì, thưa ông?

Các cam kết quốc tế có thể góp phần cải thiện môi trường kinh doanh nhưng nội lực vẫn là chủ yếu. Do vậy, Việt Nam cần có ngay một chương trình hành động cụ thể và ngay lập tức. Các Bộ, ngành sẽ làm gì? Doanh nghiệp sẽ làm gì? Người dân sẽ làm gì? Đó là những câu hỏi cần được giải đáp.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

>>>Nếu không hội nhập sẽ bị cô lập

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên