MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Phạm Đỗ Chí: Làm sao ra khỏi vòng xoáy trì lạm?

Ông Phạm Đỗ Chí, người từng là chuyên gia kinh tế cho IMF và hiện là chuyên gia kinh tế cao cấp của dự án Star Plus về hỗ trợ thúc đẩy thương mại.

Đã xuất hiện tình trạng sản xuất đình trệ, tồn kho cao, doanh nghiệp phá sản,… và Ngân hàng Nhà nước đưa ra tín hiệu giảm lãi suất. Việt Nam nay lại bước vào giai đoạn chống suy giảm kinh tế. Bình luận của ông?

- Ông Phạm Đỗ Chí: Đúng như vậy. Lo lắng lạm phát cao, nay lại lo đổ dồn về đình đốn sản xuất. Đình trệ sản xuất bắt đầu tư quí 4 năm ngoái kéo dài đến nay là cái giá phải trả. Tôi không ngạc nhiên về tình hình này, vì khi áp dụng chính sách giảm tổng cầu, thì đương nhiên sẽ làm tăng hàng tồn kho, giảm chỉ số tăng trưởng bán lẻ, làm doanh nghiệp phá sản và thất nghiệp gia tăng. Đây là điều đáng tiếc.

Cái khó khăn nhất hiện nay là sự kết hợp uyển chuyển các chính sách, làm sao vừa lo chống lạm phát, vừa phải lo bài thuốc chống lạm phát không quá đắng. Bí quyết ở đây là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo tôi, chính phủ đang đi đúng đường khi áp dụng chính sách tiền tệ dần nới lỏng. Nhưng tài khóa, đặc biệt là chi tiêu công đã quá cao và ây ra áp lực lên chính sách tiền tệ trong suốt những năm qua, và gây ra áp lực lạm phát.

Theo tôi, lạm phát đích thực là do chính sách tài khóa quá nới lỏng trong thời gian dài. Chính phủ đã theo đuổi chính sách đầu tư công mạnh, bằng chứng là tỷ lệ đầu tư của Việt Nam cao tới hàng nhì ở châu Á, ở mức 42% GDP, chỉ thua Trung Quốc. May là năm vừa rồi, và năm nay đã bắt đầu hạ xuống. Đây là hướng đi đúng, nhưng vẫn còn cao. Hơn nữa, ICOR quá cao là chỉ dấu cho thấy hiệu qua đầu tư thấp. Điều này cho thấy cần tiếp tục giảm đầu tư công, thay vào đó là khuyến kích đầu tư tư nhân. Tôi nghĩ thay đổi cơ cấu như vậy sẽ là bài thuốc chữa lạm phát trong lâu dài.

Nhưng rõ ràng, theo chỉ tiêu của Quốc hội cho phép, thì chính sách tài khóa có vẻ thắt chặt rồi đấy chứ?

- Tôi nghĩ, đang có vấn đề nghiêm trọng trong kiềm chế bội chi trên GDP. Mặc dù bội chi vẫn được cho là dưới 4,9% GDP trong năm ngoái, nhưng số bội chi tuyệt đối vẫn rất cao vì yếu tố lạm phát và tỷ giá thay đổi mạnh trong năm 2011, làm chúng ta cho là chính sách tài khóa thành công. Song hoàn toàn không phải. Vì lạm phát 2011 và tỷ giá cao hơn nhiều so với năm 2010. Khi lập ngân sách 2011, chúng ta cho mức lạm phát mục tiêu chỉ là 7%, kết quả là lạm phát lên trên 18%.

Tỷ giá năm 2010 chỉ là 19.500 đồng/đô la Mỹ, thì đã vượt 21.500 đồng/đô la Mỹ năm 2011. Vì lạm phát và tỷ giá vượt lên cao như vậy, nên số thu chi ngân sách đã phình ra, số bội chi phình to nên có nhu cầu tài trợ thâm hụt ngân sách bằng số tuyệt đối và do đó phải phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP).

Sự kiện TPCP được các ngân hàng mua, nhưng rồi đem đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tái cấp vốn và tái chiết khấu, nên NHNN đã tài trợ bội chi ngân sách cao, gây ra khối lượng tiền tệ tăng cao, gây lạm phát. Chuyện này đã xảy ra trong năm 2008- 2009 khi chúng ta trải qua cùng hiện tượng lạm phát và tỷ giá cao hơn dự kiến, làm ngân sách có bội chi bội thu rất cao. Năm ngoái lại xảy ra như vậy. Tôi e ngại, năm 2012, chúng ta lặp lại điều này. Tôi cho rằng khi xây dựng dự toán năm 2013 thì Chính phủ và Quốc hội cần lưu tâm điều này.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chính mà Việt Nam rất khó thoát khỏi vòng xoáy của chống lạm phát và chống suy giảm kinh tế trong suốt 5 năm qua?

- Đúng là suốt từ 2008 đến giờ, chúng ta phải thay đổi 180 độ về chính sách kinh tế vĩ mô ba bốn lần. Lý do là nền kinh tế đã mất đi cân bằng vĩ mô cơ bản từ 2007 đến nay. Khác với thập niên trước, khi Việt Nam vừa đạt được tăng trưởng cao từ 7,5- 8,5%/năm bình quân, lạm phát dưới một con số, từ 2007 đến nay, chúng ta cứ phải thay đổi mục tiêu vì kế hoạch phát triển dài hạn không đúng.

Chúng ta cần chữa căn bản chiến lược này, tôi đề nghị, lý do chính là chi tiêu công quá cao, khu vực doanh nghiệp nhà nước lấn át. Vì thế, giải pháp lâu dài là duy trì tăng trưởng vừa phải và kiểm soát được lạm phát. Theo tôi, phải đề cao vai trò chủ đạo của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, cần phải khuyến khích nông nghiệp nông thôn hơn nữa vì đó chính là trụ đỡ cho nền kinh tế.

Nhưng rõ ràng là Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng chương trình tái cơ cấu kinh tế. Ông thấy có đủ hay không?

- Chương trình cải cách kinh tế ba điểm gồm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ngân hàng thương mại, đã bắt đầu trả lời được những yếu kém cơ bản của kinh tế Việt Nam. Nhưng theo tôi, vấn đề thực hiện các chính sách này phải mất nhiều thời gian và cần nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Số một vẫn là phải nâng cao hiệu quả của nền kinh tế bằng cách nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, vì đó mới chính là động lực dẫn dắt nền kinh tế ra khỏi tình trạng hiện nay.

Những nhận xét của ông có quá đi so với thực tế về Việt Nam hay không?

- Tôi tham dự một số hội nghị quốc tế trong năm ngoái, và đầu năm nay thì nghe được 10 nước hấp dẫn nhất mà không hề có Việt Nam. Cả Myanmar, Lào và Campuchia, Bangladesh đều có trong danh sách. Việt Nam bị loại khỏi vì bất ổn kinh tế vĩ mô. Theo tôi, Việt Nam cần đặt lại mục tiêu bình ổn vĩ mô nhằm khuyến khích giới đầu tư nước ngoài. Chỉ có điều đó mới tái lập lòng tin của họ, cũng như thị trường chứng khoán và bất động sản.

Ông bình luận thế nào về nhận định cho rằng, thời gian khó khăn nhất của nền kinh tế đã qua cùng với quí 1 năm nay?

- Theo tôi, khủng hoảng thị trường bất động sản sẽ còn phải kéo dài, và giá cả có thể còn phải xuống thêm nữa trước khi đụng đáy vào năm 2013 và 2014. Hệ lụy khó tránh khỏi là các khó khăn của hệ thống ngân hàng sẽ còn kéo dài đến đó. Tôi nghĩ, đáy của nền kinh tế sẽ diễn ra vào lúc đó với các vấn đề của thị trường bất động sản, hệ thống ngân hàng thương mại, và doanh nghiệp phá sản, chứ không phải là thời điểm này. Song tôi mong là chuyện này không xảy ra.

Gợiý chính sách của ông nhằm đưa kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi vòng xoáy của lạm phát và trì trệ?

Có bốn vấn đề có thể làm được.

Thứ nhất là Chính phủ đặt lại trọng tâm của tăng trưởng, không phải tăng trưởng cao bằng bất cứ giá nào. Việt Nam nên đặt vai trò thúc đẩy kinh tế cho khu vực tư nhân, thay vì nhà nước và DNNN.

Thứ hai, cần phải phối hợp tốt hơn các biện pháp hành chính và thị trường. Những biện pháp hành chính chữa cháy có thể có tác dụng trong ngắn hạn, nhưng không thể làm thay thị trường.

Thứ ba, nên có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các nhà lãnh đạo ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia để đưa ra những tín hiệu rõ ràng về kế hoạch phát triển lâu dài, nhằm đem lại niềm tin cho giới đầu tư và người dân.

Sau cùng, tôi cho rằng cần có thông tin minh bạch hơn, chẳng hạn NHNN đã làm để đối phó với vấn đề thanh khoản, nợ xấu. Minh bạch thông tin mới mang lại niềm tin cho thị trường.

Bốn điểm này theo đôi sẽ giúp Chính phủ đưa ra chương trình bình ổn kinh tế vĩ mô trung hạn, và đặt nền tảng cho tái cơ cấu kinh tế.

Theo Tư Giang

TBKTSG

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên