MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Trần Đình Thiên: Nền kinh tế sẽ gặp khó khăn trong 5 – 10 năm tới?

Sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc đang khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong 5 – 10 năm tới.

Những nhận định trên được chuyên gia hàng đầu về kinh tế TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam: Tổng kết 30 năm phát triển Kinh tế Việt Nam do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng ngày 19/11 tại Hà Nội.

Kinh tế đã thực sự thoát khỏi lạc hậu?

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm qua đã tạo nên nhiều thay đổi sâu sắc. Tuy nhiên, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những thành tích của Việt Nam lại kiểu như “đứng ở tốp đầu” trong các bảng xếp hạng toàn cầu, vị trí thứ 2 trong xuất khẩu cà phê, thứ 3 trong xuất khẩu lúa gạo, hay thứ 4 về xuất khẩu thủy hải sản. Hay cả những thành tích dễ dàng kiểu như “tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước”, hoặc “tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra” đã dễ gây tâm lý thỏa mãn và “say sưa vì thắng lợi”.

Tuy nhiên, khi định vị nền kinh tế Việt Nam trong không gian kinh tế toàn cầu, TS. Thiên chỉ ra rằng thực tế tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã sụt giảm trong mấy năm vừa qua. Điều này đang dấy lên quan ngại sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đi xuống và Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Việt Nam được nhận định là đang thoát khỏi lạc hậu, song theo TS. Thiên, trên thực tế kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi lạc hậu. Dẫn chứng, cơ cấu là chỉ tiêu để đo chất lượng, thay đổi cơ cấu tức là thay đổi chất lượng. Song trên thực tế, thay đổi cơ cấu Việt Nam chưa dẫn đến thay đổi chất lượng.

“Những yếu tố cốt lõi thay đổi năng suất và chất lượng chưa có, ví dụ như công nghiệp là gia công, lắp ráp và khai thác tài nguyên thì công nghiệp đó vẫn chưa thay đổi. Công nghệ vẫn chưa thoát khỏi lạc hậu, vẫn rất xa so với thế giới. Năng suất lao động của ta trong suốt 20 năm hầu như không thay đổi” – TS. Thiên dẫn chứng.

Đặc biệt, khi xếp hạng cạnh tranh và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, TS. Thiên dẫn chứng là Việt Nam là nước đứng thứ 99 đang về năng lực cạnh tranh, song thu nhập bình quân đầu người lại chỉ ở mức 1400 USD. Trong khi đối với các nước có vị trí như vậy, mức thu nhập bình quân đầu người lên tới 7.545 USD.

Việt Nam cũng đang hội nhập sâu rộng, với độ mở lớn song theo TS. Thiên chỉ ra, kinh tế Việt Nam có tính lệ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài rất lớn. Đặc biệt là việc phụ thuộc nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc đã làm méo mó kinh tế.

Lo ngại phụ thuộc Trung Quốc?

Từ thực tiễn trên, TS. Thiên đặt câu hỏi: “Nếu ta chỉ nhập khẩu đầu vào thì không thể vượt qua được đẳng cấp cao hơn. Không biết vài chục năm sau khi nào mới có thể thoát khỏi lệ thuộc kinh tế?”

Trong cuộc chơi hội nhập, việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được TS. Thiên nhận định là cuộc chơi lớn, mở ra cơ hội những cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Mục tiêu của Việt Nam là dựa vào cấu trúc TPP để vươn lên, nhưng với một cấu trúc hội nhập cao, các nước tham gia TPP là đối tác đẳng cấp, TS. Thiên lo ngại không cẩn thận Việt Nam có thể trở thành giỏ đựng rác cho thế giới.

Đánh giá thách thức kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới là gì, TS. Thiên cho rằng vấn đề quan ngại nhất là lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Bởi trong điều kiện nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề rất lớn, không dễ dàng vượt qua khó khăn, trong khi nội tại kinh tế Việt Nam đang bộc lộ những yếu kém, lạc hậu, nội lực doanh nghiệp trong nước yếu, TS. Thiên lo ngại kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong 5 – 10 năm tới.

“Tình thế thực tế như vậy và cần phải có thái độ nghiêm túc, và cần phải nhìn thẳng vào vấn đề của nền kinh tế để có những nỗ lực tháo gỡ nút thắt của nền kinh tế” – TS. Thiên khuyến nghị.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên