MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Trần Du Lịch: Tài chính luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai” lấy đâu động lực tăng trưởng?

“Để kích thích tăng trưởng, thì tăng trưởng tín dụng thời gian tới phải gấp 3 lần GDP. Chính sách tài khóa cần phải xem lại đó là cân đối thu chi, cải cách hành chính; tái cơ cấu lại nợ công và phát hành trái phiếu”.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận hội trường sáng ngày 3/11 về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, vấn đề nổi cộm nhất của nền kinh tế là ổn định vĩ mô, giải quyết vấn đề nguy cơ mất thanh khoản ngân hàng.

“Tuy nhiên, tôi cũng đánh giá cao kinh tế từ quý III/2013 đã đi lên khi chạm đáy suy giảm và tăng trưởng lại yếu ớt” - TS Trần Du Lịch cho biết.

Kinh tế đối ngoại đã toàn diện, từ quan hệ xuất khẩu sang quan hệ đầu tư. Đặc biệt là thể chế với việc sửa đổi một hệ thống luật đầu tư, luật doanh nghiệp, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản… đã tạo môi trường thể chế mới để phát triển kinh tế trong thời gian tới đây, thể hiện nỗ lực của Chính phủ.

“Tóm lại cái phần được của nền kinh tế là tạo một sự ổn định mở ra trong thời gian tới” – Ông Lịch kết luận.

Tuy nhiên cũng theo ông Lịch, vẫn còn những vấn đề tồn tại. Nhìn tổng thể 5 năm thì 9/21 chỉ tiêu không đạt được và đều rơi vào chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng, tổng đầu tư GDP, năng suất lao động, lao động qua đào tạo … Có nghĩa là những cái không đạt được lại rơi vào chất lượng tăng trưởng.

Chính vì vậy, nhìn tổng thể cái được và chưa được ông Lịch đặt câu hỏi: Liệu trong 5 năm tới, hoặc năm 2016 chúng ta có thể tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước không?

Và ông cho rằng, Việt Nam phải có động lực mới cho tăng trưởng.

Tăng trưởng năm nay 6,5 – 6,7% là đạt tăng trưởng tiềm năng. Ông Lịch cho rằng, chúng ta đang đứng trước 4 hạn chế:

Thứ nhất, tổng đầu tư xã hội giảm trong khi kinh tế Việt Nam lại tăng trưởng dựa vào vốn.

Thứ hai, nông nghiệp đạt nhiều kết quả nhưng phải chăng đã chạm trần tăng trưởng và đang suy giảm nếu thiếu động lực mới trong tái cấu trúc?

Thứ ba, kinh tế phục hồi nhưng doanh nghiệp trong một thời gian dài chết quá nhiều. Đặc biệt, đã xảy ra một hiện tượng là doanh nghiệp FDI tồn tại tốt nhưng doanh nghiệp trong nước lại phát triển yếu kém.

“Nếu như chúng ta duy trì tăng trưởng dựa vào FDI thì rõ ràng phát sinh mâu thuẫn trong nền kinh tế, vì xét cho cùng FDI vẫn là nợ quốc gia. Nếu phát triển như vậy thì GDP tăng nhưng lợi tức quốc gia sẽ giảm” – Đại biểu Trần Du Lịch phân tích.

Thứ tư, nợ công đang là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Thu chi ngân sách thiếu hụt, Bộ Tài chính luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai” thế này thì từ năm 2016 trở đi muốn tăng trưởng đạt 6,5 – 7% thì cần phải có động lực mới.

Ông Lịch gợi ý, chính sách tiền tệ điều hành thế nào để đạt được việc ổn định vĩ mô, xử lý nợ xấu, giải quyết ngân hàng đổ vỡ. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt, mục tiêu rất khó đó là làm sao để giảm lãi suất ngân hàng.

“Để kích thích tăng trưởng, thì tăng trưởng tín dụng thời gian tới phải gấp 3 lần GDP. Chính sách tài khóa cần phải xem lại đó là cân đối thu chi, cải cách hành chính; tái cơ cấu lại nợ công và phát hành trái phiếu”.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên