MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Võ Trí Thành: Không thể bảo hộ bằng tình thương mãi được!

"Câu chuyện không phải là quả dưa hấu hay hành tím, mà do chúng ta thiếu 3 điều quan trọng nhất: lợi thế quy mô, không gắn kết chuỗi sản xuất với chuỗi cung ứng, vị thế phân chia lợi ích với người nông dân. Không thể bảo hộ bằng tình thương mãi được, mọi quá trình đều cần hiệu quả..."

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
109 bài viết

Nông nghiệp và dịch vụ đều đang gặp khó

Tại cuộc họp công bố báo cáo điều tra về tình hình kinh tế xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2015 của Ủy ban kinh tế xã hội Châu Á Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc (UN ESCAP) chiều ngày 14/5, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, nhìn vào sự phục hồi trong ngắn hạn có thể thấy kinh tế Việt Nam còn gặp không ít khó khăn.

Về sản xuất, nông nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu nông sản khi giá trị đã giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm; nhiều mặt hàng bị giảm lớn.

Theo ông Thành, trong năm 2015 xuất khẩu chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 10%; thấp hơn so với mức trên 13% của 2 năm trước. Trong khi đó, năm 2014, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng cao, năm nay đã giảm dần.

Kể từ sau khi gia nhập WTO, bao giờ tăng trưởng dịch vụ cũng tăng cao hơn mức tăng trung bình của GDP. Nhưng từ năm ngoái, mức tăng dịch vụ đã chậm hơn mức tăng trung bình của GDP mà chủ yếu dựa vào tăng trưởng ngành công nghiệp.

Tăng trưởng dịch vụ chậm lại do ngành du lịch giảm. TS Võ Trí Thành dẫn chứng, khách Nga đến Mũi Né trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua đã giảm tới 80%. Câu chuyện tỷ giá và tăng trưởng kinh tế Nga đang ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch Việt Nam.

“Để đạt mục tiêu tăng trưởng tốt và ổn định vĩ mô thì khó khăn đến từ việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng” – TS Võ Trí Thành nhận định.

Cụ thể, ông Thành cho biết, áp lực tỷ giá mạnh đến từ nhiều chiều như thâm hụt thương mại, nhu cầu hỗ trợ cho nông nghiệp, tỷ giá một số mặt hàng quan trọng. Bên cạnh tỷ giá là câu chuyện lãi suất cũng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng nhà nước đã nhận định, tỷ giá là vấn đề khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô năm nay.

Bên cạnh tái cấu trúc, việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng được ưu tiên hàng đầu trong ổn định vĩ mô thông qua cụ thể hóa các luật như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp... Cùng với đó, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là về xuất khẩu.

Với quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua NQ19, Việt Nam hi vọng có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn dự báo.

Không thể bảo hộ bằng tình thương mãi được!

Cũng tại cuộc họp, khi nhận định về cánh cửa hội nhập đang đến gần, TS Võ Trí Thành cho biết, quá trình hội nhập không phải ngành nào cũng được hưởng lợi. Đây là quá trình làm sao để điều chỉnh đối với chi phí là nhỏ nhất. Hội nhập còn có quá trình chuyển đổi nhằm giảm bớt tổn thất, nó đòi hỏi nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, cũng như những định hướng chính sách từ nhà nước.

Hội nhập nhằm phát huy lợi thế so sánh, xuất khẩu tăng trưởng tạo điều kiện cho nhiều ngành phát triển như dệt may, da giày… Bên cạnh đó, đầu tư, tiêu dùng tăng lên sẽ khuyến khích tăng trưởng nhập khẩu.

“Cán cân thương mại của Việt Nam đang nhập siêu chủ yếu do nhập khẩu máy móc thiết bị. Nhưng máy móc này có tạo ra được tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu hay không? Nhập khẩu có tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế hay không? Việt Nam có tham gia được vào chuỗi giá trị hay không?” – Phó Viện trưởng CIEM bày tỏ băn khoăn.

Đồng thời, ông Thành cũng cho biết, nhóm hàng duy nhất Việt Nam có xuất siêu là nông sản, mặc dù mới chỉ dừng lại ở xuất thô và có rất nhiều quy trình đang “hành” người nông dân. Do đó, trước khi muốn định hướng làm ăn, phải nghiên cứu đẩy đủ môi trường bên ngoài, chính sách, môi trường pháp lý và môi trường kinh tế liên quan đến đối thủ cạnh tranh.

“Câu chuyện không phải là quả dưa hấu hay hành tím, mà do chúng ta thiếu 3 điều quan trọng nhất: lợi thế quy mô, không gắn kết chuỗi sản xuất với chuỗi cung ứng, vị thế phân chia lợi ích với người nông dân. Không thể bảo hộ bằng tình thương mãi được, mọi quá trình đều cần hiệu quả. Vì nhà nước không thể làm tất cả nên mới cần đến cơ chế thị trường” – ông Thành nói.

Ông Thành khẳng định, nếu tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp, đây sẽ là lợi thế lớn cho Việt Nam. Khi đó, vị thế “mặc cả” của người nông dân trong chuỗi giá trị sẽ được nâng cao hơn và hợp lý hơn.

>>>Quả dưa hấu và câu chuyện kỷ luật thị trường

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên