MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK ảm đạm, Việt Nam đối diện nguy cơ lỡ hẹn với mục tiêu thoái vốn

Việt Nam có nguy cơ không đạt được mục tiêu thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cuối năm nay, trong bối cảnh cơn bán tháo trên TTCK khu vực trở thành một lực cản đối với mục tiêu cổ phần hóa DNNN.

Hãng tin Bloomberg trích lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết ``sẽ khó hoàn thành được mục tiêu thoái vốn ngoài ngành'' vào cuối năm 2015 khi mà tổng vốn còn phải thoái là 17.900 tỷ đồng (tương đương 795 triệu USD) nếu các DNNN không tích cực và quyết liệt hơn trong việc triển khai các kế hoạch đã đặt ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra hạn chót đến cuối năm nay các DNNN phải thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành và tháng 4 vừa qua cũng khẳng định lãnh đạo của các doanh nghiệp không đạt được mục tiêu sẽ bị xử lý nghiêm. Việt Nam đang cố gắng hoàn thành chương trình cổ phần hóa DNNN đã được khởi xướng từ những năm 1990 nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang hướng tới mức tăng trưởng nhanh nhất trong 4 năm.

Theo ông Hiếu, trong 7 tháng đầu năm nay các DNNN đã thoái được 4.100 tỷ đồng khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành, trong đó có 24,8 tỷ đồng từ chứng khoán, 1.172 tỷ đồng từ ngân hàng và 2.769 tỷ từ bất động sản.

Cơn bán tháo trên các TTCK trong khu vực cũng đang là một thách thức đối với quá trình thoái vốn của các DNNN. Phiên hôm nay (24/8), chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2007 vì những dự đoán cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm tốc sâu hơn dự báo. VnIndex cũng giảm tới 5,1% trong phiên buổi sáng hôm nay và giảm 15% kể từ đầu tháng.

Nguyễn Duy Khoa, chuyên gia đến từ công ty chứng khoán SSI, nhận định xu hướng giảm điểm của thị trường có thể còn kéo dài đến cuối năm nay vì lực cầu yếu và thanh khoản khá thấp. “Trong một thị trường như thế này, các DNNN sẽ không thể thu hút được nhiều nhà đầu tư khi chào bán cổ phiếu”.

Năm ngoái các DNNN cũng đã lỡ hẹn với mục tiêu cổ phần hóa với 143 doanh nghiệp hoàn thành trên mức mục tiêu 200 doanh nghiệp.

7 tháng đầu năm nay, lượng cổ phần bán thành công của các DNNN cũng chỉ đạt 27% so với số cổ phiếu tung ra trong các đợt IPO, ông Hiếu cho biết. Đến hết tháng 7, đã cổ phần hóa được 79 DNNN và trong 5 tháng còn lại của năm 2015, sẽ có 210 doanh nghiệp phải cổ phần hóa, theo thông tin từ ông Hiếu.

Quá trình cổ phần hóa diễn ra quá chậm chạp so với tiến độ đề ra một phần là bởi một bộ phận cán bộ các doanh nghiệp còn có ``tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa,'' ông Hiếu cho biết.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên