MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 1/1/2012, thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội lên 24%

Từ ngày 1/1/2012, tỷ lệ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ là 24% mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của người lao động, tăng 2% so với hiện nay.

Trong đó, người sử dụng lao động đóng 17% và người lao động đóng 7% BHXH.Cụ thể, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thực hiện mức đóng BHXH như sau:

Tổng mức đóng góp vào quỹ BHXH bắt buộc của cả người lao động và người sử dụng lao động là 24% (trong đó: 3% đóng góp vào quỹ ốm đau, thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 20% vào quỹ hưu trí, tử tuất).

Riêng đối với đối tượng hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân và hạ sỹ quan, chiến sỹ công an nhân dân phục vụ có thời hạn, người sử dụng lao động đóng BHXH cho đối tượng này bằng 21% mức lương tối thiểu chung (trong đó: 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 20% vào quỹ hưu trí, tử tuất).

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đóng góp bằng 20% mức thu nhập người lao động lựa chọn đóng BHXH (hiện nay là 18%).

BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

BHXH bắt buộc là loại hình BHXH mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia; bao gồm các chế độ: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động.

BHXH tự nguyện là loại hình BHXH mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng BHXH; bao gồm các chế độ: Hưu trí, tử tuất. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

(trích Luật Bảo hiểm xã hội)

Theo Tuệ Văn

Chinhphu.vn

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên