MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ năm 1993 – 2013: Việt Nam đã thu hút được 78,19 tỷ USD vốn ODA

ODA trở thành nguồn lực quan trọng để đầu tư cho các lĩnh vực tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt hỗ trợ cải thiện hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo.

Tóm tắt:

- Giai đoạn từ năm 1993-2013 Việt Nam đã được cam kết tài trợ 78,19 tỷ USD

- Nhờ vốn ODA Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài, giảm được nghĩa vụ trả nợ Chính phủ trên 12 tỷ USD

- 9 tháng năm 2014, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt 3,519 tỷ USD

- Việc thực hiện và giải ngân vốn ODA những năm qua vẫn chưa tạo được bước đột phá lớn do mức độ giải ngân không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương

- Dự kiến khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2015 của Việt Nam sẽ khoảng 1.345 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 30% GDP

-----------------------------------

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn từ năm 1993-2013 Việt Nam đã được cam kết tài trợ 78,19 tỷ USD. Trong đó, số đã đàm phán, ký kết các hiệp định tài trợ là 58,36 tỷ USD và đã giải ngân được 37,6 tỷ USD.

Nguồn vốn ODA chủ yếu tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế như điện, giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước; phát triển nông nghiệp và nông thôn, xóa đói, giảm nghèo; phát triển y tế, giáo dục đào tạo; tăng cường năng lực và thể chế trong các lĩnh vực cải cách hành chính, luật pháp, quản lý kinh tế và bảo vệ môi trường...

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2014, vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân tiếp tục đạt khá so với cùng kỳ. Ước giải ngân trong 9 tháng năm 2014 đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vốn vay khoảng 4,01 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại khoảng 90 triệu USD.

9 tháng năm 2014, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt 3,519 tỷ USD (trong đó, vốn vay là 3,459 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại 60 triệu USD), bằng 76% so với cùng năm trước. Tuy nhiên, tổng giá trị giải ngân 9 tháng lại cao hơn 10% so với mức giải ngân của cùng kỳ năm 2013, ước đạt 4,105 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguồn vốn này đã trở thành nguồn lực quan trọng để đầu tư cho các lĩnh vực tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt hỗ trợ cải thiện hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, đã thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài, giảm được nghĩa vụ trả nợ Chính phủ trên 12 tỷ USD, qua đó, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước để tập trung vốn cho việc đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Trong năm 2015, các cân đối vốn đầu tư phát triển được Chính phủ đề ra đó là: Dự kiến khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2015 khoảng 1.345 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 30% GDP.

Trong đó, dự kiến huy động các nguồn vốn như sau: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 195 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 85 nghìn tỷ đồng; Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ đồng; Nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 135 nghìn tỷ đồng; Nguồn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân khoảng 565 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến khoảng 275 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Và các nguồn vốn khác dự kiến khoảng 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,2% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Đánh giá về  tổng thể, Bộ Tài chính cho rằng: Việc thực hiện và giải ngân vốn ODA những năm qua vẫn chưa tạo được bước đột phá lớn do mức độ giải ngân không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương, chỉ tập trung ở các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, năng lượng điện, thích ứng biến đổi khí hậu.

Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương sẽ phải tích cực hơn trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, như giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn này.

Trao đổi kinh nghiệm chống tham nhũng trong các dự án ODA

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên