MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn băn khoăn quyền người tiêu dùng

Ngày 1.7 Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) chính thức có hiệu lực.

Băn khoăn lớn nhất hiện nay là luật sẽ được thực thi thế nào để bít những lỗ hổng trước đây trong việc được bảo vệ và tự bảo vệ của NTD?

Báo cáo của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam, năm 2010, hội này tiếp nhận và xử lý 116 vụ vi phạm quyền lợi NTD, văn phòng Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD TP.HCM xử lý 142 vụ. Con số này quá ít ỏi nếu so với số lượng hàng nghìn đơn thư của NTD gửi về các hội này mỗi năm.

Với nhan nhản những quảng cáo sai sự thật trên truyền hình mỗi ngày, không ít NTD bị mắc lừa mua phải sản phẩm kém chất lượng, đã phải ngậm bồ hòn khi không được bảo hành hay bồi thường thiệt hại. Quyền của NTD trước đây cũng thường xuyên bị lờ đi trong những hợp đồng (HĐ) mua bán điện, nước, viễn thông, thậm chí là HĐ mua bán nhà, khi các điều khoản luôn có lợi cho bên bán.

Người bán khó lập lờ

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN, tình trạng trên sẽ được thay đổi với những quy định tiến bộ và khá chặt chẽ của Luật Bảo vệ NTD. Điểm tiến bộ của luật là đã cụ thể hóa từng quyền. Ví dụ như quyền được thông tin, NTD được quyền yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ, hàng hóa phải cung cấp hóa đơn, chứng từ, thông tin về xuất xứ hàng hóa... Với những người dân ở nông thôn, vùng xa, có cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD của Nhà nước ở cấp huyện (cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD trực thuộc UBND huyện), theo luật quy định có chức năng giải quyết các khiếu nại giữa NTD và tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, khi xảy ra tranh chấp và giải quyết tranh chấp tại tòa, NTD không có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi của nhà cung cấp, mà trái lại nhà cung cấp phải có nghĩa vụ chứng minh rằng mình không có lỗi gây ra thiệt hại.

Theo luật, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ sẽ không còn được “nắm đằng chuôi” trong quan hệ mua bán. Cụ thể trong quy định về HĐ giao kết với NTD, luật bác bỏ thẳng thừng những thỏa thuận bị coi là bất lợi cho NTD như các thỏa thuận làm loại trừ trách nhiệm của bên cung cấp hàng hóa, hạn chế, triệt để quyền khiếu kiện của NTD, cho phép bên cung cấp được đơn phương thay đổi các điều kiện HĐ… Những thỏa thuận này sẽ bị vô hiệu hóa khi có tranh chấp. Luật cũng quy định các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐ mẫu.

Những ràng buộc chặt chẽ này có thể sẽ chấm dứt tình trạng các HĐ “độc quyền” khi người mua luôn phụ thuộc vào người bán. Và những nhà cung cấp điện, nước, viễn thông... sẽ phải sớm thay đổi HĐ mẫu, nếu không muốn bị khởi kiện.

Chế tài cao nhất 100 triệu đồng

Điểm đặc biệt theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Ủy viên Thường vụ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD (Vinatas), các tổ chức xã hội được thành lập để bảo vệ NTD theo luật có thể chủ động trong việc bảo vệ NTD, có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của NTD có quyền khiếu nại, khởi kiện. Trước đây, thẩm quyền của các hội bảo vệ NTD chỉ quy định chung chung, nhưng nay không chỉ khởi kiện một vụ cụ thể mà có thể khởi kiện vì lợi ích công cộng. Các hội này cũng có thể độc lập khảo nghiệm chất lượng hàng hóa, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Tuy nhiên, theo bà Loan, việc ra đời luật chỉ là bước đầu tiên, quan trọng nhất là đưa luật vào cuộc sống hiệu quả. Muốn làm được điều này, cần sự thay đổi nhận thức chung của xã hội, coi công tác bảo vệ NTD không chỉ của riêng NTD, mà của cơ quan quản lý nhà nước đến các DN, chủ thể kinh doanh, các hội, tổ chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

Bà Loan cũng cho rằng, muốn thực thi luật tốt, phải có nghị định hướng dẫn, thông tư, ngoài ra cần có “quy định mở”. “Nếu không ban hành kịp thời nghị định hướng dẫn sẽ thành luật treo, đi vào thực thi sẽ bị hạn chế tác dụng, như đã từng diễn ra với nhiều luật trước đây”, bà Loan nói.

Theo TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ NTD, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), cùng với việc Luật Bảo vệ NTD có hiệu lực vào 1.7 tới, nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng sẽ được ban hành đồng thời. Ngoài ra, một số nghị định và thông tư cũng đang được xây dựng, lấy ý kiến và chuẩn bị trình Chính phủ, trong đó có Nghị định Xử phạt hành chính và quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành về hàng hóa thiết yếu có sử dụng HĐ mẫu.

Được biết, theo Nghị định Xử phạt hành chính đang được xây dựng, các vi phạm quy định trong Luật Bảo vệ NTD có thể sẽ chịu mức xử phạt cao nhất lên tới 100 triệu đồng.

8 quyền cơ bản của NTD theo Luật

- Quyền được an toàn
- Quyền được thông tin
- Quyền được lựa chọn
- Quyền được lắng nghe
- Quyền được tham gia xây dựng chính sách bảo vệ NTD
- Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại, được khiếu nại - tố cáo - khởi kiện
- Quyền được tư vấn, hướng dẫn kiến thức tiêu dùng
- Quyền được sống trong môi trường trong sạch, lành mạnh.

Theo Mai Hà

Thanhnien

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên