MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng: Bộ Tài chính sẽ khó trả nợ đúng hạn?

Áp lực điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2015 đang hết sức khó khăn, cho dù thu vượt hơn 16.000 tỷ, nhưng ngân sách trung ương lại hụt hơn 31.000 tỷ. Nguồn bù đắp trước mắt hiện nay là từ việc thoái vốn từ các doanh nghiệp được 10.000 tỷ. Như vậy còn 21.000 tỷ chưa có nguồn xử lý.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu - Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - nói với chúng tôi rằng, rất khó để Bộ Tài chính có thể trả được Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ trong năm nay.

Do đó, việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế là cần thiết để đảo nợchi cho các khoản khác. Song cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu này, chỉ sử dụng vào việc đảo nợ và không được chi tiêu vào các khoản khác, kể cả với những việc cần thiết, cấp bách.

Gần đây Bộ Tài chính có vay của Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ. Ông đánh giá thế nào về khả năng trả nợ trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay?

Nợ vay năm 2015 là 431.000 tỷ, để bù đắp bội chi ngân sách là 226.000 tỷ, phát hành trái phiếu để đầu tư là 85.000 tỷ, và chi đảo nợ là 115.000 tỷ. Trong cơ cấu vay như vậy, thì vay nước ngoài là 32.000 tỷ, vay trong nước là 225.000 tỷ, còn lại trên 118.000 tỷ là phải vay của các đơn vị tài chính nhà nước.

Song đến hết tháng 9 mới phát hành được 51% trái phiếu chính phủ, tức là 127.000 tỷ. Để bù đắp tiến độ chi và tiến độ trả nợ, Bộ Tài Chính phải vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ, như vậy việc vay này đã nằm trong kế hoạch vay từ trước.

Vấn đề đặt ra là cuối năm có trả được không? Theo quy định, trong trường hợp ngân sách khó khăn thì có thể tạm ứng từ ngân hàng nhà nước nhưng phải hoàn trả trong năm.

Tôi cho là áp lực điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2015 đang hết sức khó khăn, cho dù thu vượt hơn 16.000 tỷ, nhưng ngân sách trung ương lại hụt hơn 31.000 tỷ. Nguồn bù đắp trước mắt hiện nay là từ việc thoái vốn từ các doanh nghiệp được 10.000 tỷ. Như vậy còn 21.000 tỷ chưa có nguồn xử lý.

Do đó, tôi cho rằng có trả được 30.000 tỷ hay không cũng là vấn đề khó khăn. Nếu có nguồn thì mới xử lý được, nếu không có nguồn thì chắc chắn là phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Ngân sách khó khăn nhưng có tới gần 68% là chi thường xuyên. Liệu có hợp lý không, thưa ông?

Chi thường xuyên chiếm gần 68% trong năm 2015, Quốc hội yêu cầu tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước. Theo đó, tỷ trọng chi thường xuyên sẽ giảm xuống khoảng 2% so với năm 2015, là cố gắng lớn trong bối cảnh năm 2016 chi về an sinh tiếp tục tăng.

Ở các nước phát triển hơn Việt Nam, tỷ trọng chi thường xuyên thấp, do ta chi cho tiêu dùng nhiều quá, chiếm tuyệt đại đa số trong chi ngân sách nhà nước. Trong khi đó, áp lực chi đầu tư, chi trả nợ cũng rất lớn, bởi nếu không sẽ hạn chế tăng trưởng.

Trước áp lực tái cơ cấu, cần giảm chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước xuống. Để làm được, cần giảm việc ban hành các chế độ chính sách làm tăng chi thường xuyên.

Hiện tại có nhiều chế độ chính sách đã ban hành nhưng chưa có tiền để chi. Việc tăng lương ba bốn năm nay chưa tăng cho cán bộ công chức. Nếu tăng thêm 8%, thì ngoài phần đã bố trí sẽ cần phải chi thêm trên dưới 17.000 tỷ nữa, thì chi thường xuyên càng lớn lên.

Mới đây Chính phủ cũng đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ và chi cho các nhu cầu khác. Quan điểm của ông về đề xuất này?

Với dự toán thu như năm 2016 mà Chính phủ trình, cùng bội chi cho phép là 254.000 tỷ, thì tổng chi ngân sách nhà nước chỉ được phép trong trần đó. Trong đó chi cho đầu tư phát triển 255.750 tỷ, tăng lớn so với dự toán 2015, cộng với 60.000 tỷ trái phiếu chính phủ, và nguồn tiền từ xổ số kiến thiết. Mức chi đó là hợp lý.

Vấn đề đặt ra là có nên phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế không? Mục đích Chính phủ cho phát hành là để đảo nợ với các khoản vay ngắn hạn trong nước. Tôi cho rằng việc huy động vốn trong nước để giãn nghĩa vụ trả nợ hằng năm là cần thiết.

Nhưng hiện vay trong nước rất khó khăn, 9 tháng đầu năm chỉ huy động được 51%, với lãi suất rất cao là 6,6%/ năm rồi. Nếu quyết tâm vay trong nước lên nữa thì với quy mô GDP năm nay là 240 tỷ USD, thì dư địa để vay là không lớn, quy mô đầu tư nền kinh tế sẽ giảm xuống. Đo đó, vay nước ngoài có lợi thế hơn, quy mô dài hơn, lãi suất thấp hơn, huy động thêm được nguồn lực cho nền kinh tế.

Song vay nước ngoài cũng có nhiều rủi ro, trong đó biến động về tỷ giá là đáng lo, trong dài hạn 10 – 30 năm. Tất cả điều này phải cân nhắc. Nhưng tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay thì cần thiết cho phép Chính phủ huy động 3 tỷ USD trái phiếu phát hành ra thị trường nước ngoài.

Nhưng cũng cần nói thêm rằng, theo Luật quản lý nợ công thì không được phép vay nước ngoài để đảo nợ trong nước. Nhưng vì lợi ích nến kinh tế của đất nước tôi đề nghị chấp thuận.

Để có cơ sở cho Chính phủ thực hiện trong khi chưa sửa được Luật quản lý nợ công, Quốc hội cần quy định trong Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016 mới có cơ sở pháp lý cho Chính phủ thực hiện.

Cũng có ý kiến cho rằng việc vay 3 tỷ USD này làm nợ công và tăng nghĩa vụ trả nợ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Việc vay 3 tỷ USD là để đảo nợ, tức là để trả các khoản ngắn hạn. Về bản chất là không làm tăng dư nợ công. Nếu sử dụng 3 tỷ USD này vào việc bổ sung chi mới làm tăng dư nợ công.

Vấn đề là cần phải kỷ luật ngân sách, cụ thể là kỷ luật chi. Đã có quy định rõ trong Hiến pháp và Luật, nhưng vì sao nhiều khoản chi vẫn vượt dự toán?

Đối với 3 tỷ USD phát hành trái phiếu, Quốc hội chấp thuận thì bắt buộc chỉ được sử dụng vào đảo nợ, không được sử dụng vào mục đích khác cho dù là cần thiết cấp bách.

Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của đại biểu Quốc hội, kiểm toán nhà nước đối với các khoản chi này. Hằng năm có kiểm toán và nếu sử dụng sai mục đích thì đương nhiên bị xuất toán và bị xem xét trách nhiệm sử dụng sai nguồn lực tài chính này.

Xin cảm ơn ông!

An Ngọc (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên