MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VEPR: Thuế, phí sẽ “đẩy” lạm phát năm 2015 lên khoảng 3%

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lạm phát trung bình của cả năm 2015 sẽ xấp xỉ 1% nếu không có các điều chỉnh giá trong dịch vụ công (y tế, giáo dục); thuế (bảo vệ môi trường) và phí (cầu đường). Ngược lại, những điều chỉnh này sẽ khiến lạm phát dao động quanh mức 3% vào cuối năm nay.

Báo cáo về Triển vọng kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây nhận định, nền kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hoá thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài.

Mức gia tăng thêm phụ thuộc vào khả năng giữ quán tính hiện tại của nền kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, sức ì của ngành nông nghiệp và dịch vụ là một trong nhiều lực cản, bộc lộ điểm yếu của nền kinh tế trong nước.

Trên cơ sở đó, VEPR tiếp tục đưa ra dự báo, với kịch bản giá dầu trung bình cả năm khoảng 60USD/thùng, kinh trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ đạt 6,3%.

Giá hàng hóa cơ bản có khả năng duy trì xu hướng giảm cho đến hết năm 2015, nhưng giá dầu sẽ biến động rộng, gia tăng tính bất ổn của tỷ lệ lạm phát. Lạm phát trung bình của cả năm sẽ xấp xỉ 1% nếu không có các điều chỉnh giá trong dịch vụ công (y tế, giáo dục); thuế (bảo vệ môi trường) và phí (cầu đường).

Theo đánh giá của VEPR, những điều chỉnh này có thể khiến lạm phát dao động quanh mức 3% vào cuối năm nay.

Thêm vào đó, giá dầu thấp và chậm phục hồi sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách lớn so với kế hoạch. Theo tính toán của VEPR, nếu các yếu tố khác không đổi, giá dầu thô 60USD/thùng sẽ khiến ngân sách thâm hụt 45 nghìn tỷ đồng; chiếm khoảng 6-6,5% GDP. Tình thế này có thể buộc Chính phủ giảm chi đầu tư để kìm hãm thâm hụt ngân sách như năm 2014 nhưng có thể phải hi sinh tăng trưởng trung hạn.

Đồng thời, VEPR cũng đưa ra dự báo, sau 3 năm xuất siêu liên tục, cán cân thương mại của Việt Nam năm nay sẽ chuyển sang trạng thái thâm hụt nhưng cán cân tổng thể vẫn đạt mức thặng dư nhờ sự bù đắp từ vốn đầu tư nước ngoài và lượng kiều hối.

Với các giới hạn hiện tại, nền kinh tế khó có thể hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, do đó thay vì theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, các chính sách cần tạo ra môi trường vĩ mô lành mạnh và thể chế kinh tế hòa hợp cho tầm nhìn dài hạn.

Bên cạnh đó, VEPR cho rằng, cải cách thể chế cần thêm những đột phá và chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân.

Nền kinh tế vẫn phục hồi không đều, khác biệt giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước ngày một rõ nét. Ngoài những bất lợi sẵn có về điểm xuất phát, doanh nghiệp trong nước còn gặp bất lợi khi các chính sách đầu tư ưu đãi nhiều hơn cho doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, các chính sách mới cần kiến tạo môi trường bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế.

>>>UBGSTCQG: Kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh và bền vững

Thảo Anh

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên